Đại biểu dân cử với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Bài 1: Khó từ chính các quy định của pháp luật

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:14 - Chia sẻ
Từ bất cập của các quy định pháp luật dẫn tới việc tuyên truyền pháp luật của đại biểu dân cử chủ yếu “nói theo sách”, khi cử tri hoặc công dân hỏi sâu thêm khó giải thích được, buộc phải tiếp thu và trả lời sau. Thực trạng này xuất hiện khá phổ biến tại các cuộc tiếp xúc cử tri...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, toàn thể cán bộ và Nhân dân sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Để đạt được điều đó, theo Người việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng. Người luôn cho rằng: “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được”.

Phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020

Ảnh Bình Nguyên

Làm rõ hơn trách nhiệm của đại biểu, cơ quan dân cử

Trải qua 12 kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này. Trong các văn bản luật, việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật được xem như biện pháp đầu tiên để luật đi vào cuộc sống. Trong các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử cũng vậy, trách nhiệm của đại biểu dân cử mà pháp luật luôn nhắc tới đó là phổ biến và giải thích Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện. Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

Quy định từ chủ trương, đường lối đến chính sách pháp luật là vậy nhưng trong thực tiễn, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật vẫn chưa được xem trọng, hiệu quả chưa cao và đang là vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi… nhưng chưa được đả thông. Đặc biệt, trách nhiệm tuyên truyền giải thích, vận động Nhân dân chấp hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của cơ quan dân cử của đại biểu dân cử cũng cần phải làm rõ hơn.

Buộc phải tiếp thu hoặc “cầu cứu” cơ quan chức năng

Không thể phủ nhận một điều là trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND và các tổ chức, người có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quán triệt và nghiêm túc thực hiện các quy định về xây dựng pháp luật. Qua đó, đã thiết lập hệ thống pháp luật điều chỉnh và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi từ thực tiễn phát triển đất nước. Các vấn đề về hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, về tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, về đẩy mạnh Chính phủ điện tử... được luật hóa kịp thời, các vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy định được chỉ ra, tiếp thu và sửa đổi nghiêm túc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn hiện nay thì việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật vẫn đang cần nhiều đột phá và đổi mới. Một bất cập rõ nét nhất phải kể đến chính là tình trạng “nợ đọng” văn bản pháp luật. Tình trạng này kéo dài cả thập kỷ và đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Kế đến là nhiều văn bản quy định, hướng dẫn luật nhưng bản thân nội dung các văn bản này vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố phát sinh thêm các văn bản hướng dẫn chính nó. Các thuật ngữ: “theo quy định hiện hành” hay “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vẫn còn khá nhiều trong chính các văn bản hướng dẫn khiến khi tìm hiểu, đối tượng thực hiện lúng túng, buộc phải đi tìm các văn bản khác liên quan để xác định đâu là những quy định hiện hành và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là những cơ quan nào…

Bên cạnh đó, tuổi thọ của nhiều văn bản luật, hướng dẫn rất ngắn. Đơn cử như Luật Đầu tư công năm 2014, mới vận dụng được 5 năm đã xuất hiện những bất cập, dù cho nhiều ý kiến cho rằng chưa cần phải sửa đổi, song so với yêu cầu của thực tiễn thì việc sửa Luật là tất yếu và đã được sửa đổi vào năm 2019. Đó là chưa kể đến nhiều quy định quy phạm pháp luật đã ban hành không phù hợp với thực tiễn và trái thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc pháp chế đã được chỉ ra và bàn luận nhiều trên các diễn đàn lâu nay.

Từ bất cập của các quy định pháp luật dẫn tới việc tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật kéo theo đó cũng gặp khó khăn. Bởi một khi các quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo và mông lung, trừu tượng thì tuyên truyền viên, những người đào tạo chuyên ngành luật còn khó tiếp cận huống chi những người không chuyên, những đại biểu dân cử chưa được đào tạo chuyên sâu lý luận về Nhà nước và pháp luật thì việc tiếp cận rất khó khăn. Từ đó dẫn đến việc tuyên truyền chủ yếu “nói theo sách”, khi cử tri hoặc công dân hỏi sâu thêm khó giải thích được và buộc phải tiếp thu và trả lời sau. Thực trạng này xuất hiện khá phổ biến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, khi cử tri nêu ra các tình huống thực tế và căn cứ vào các văn bản A, B nào đó, thường nằm trên các lĩnh vực đất đai và chính sách xã hội, những vấn đề khó và nhạy cảm là đại biểu phải tiếp thu hoặc “cầu cứu” cơ quan chức năng.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh