Cơ chế nào cho Khu thương mại tự do Hải Phòng?

Bài 1: Sẽ tụt hậu nếu không có khu thương mại tự do?!

- Thứ Ba, 19/10/2021, 15:06 - Chia sẻ
Tại Phiên họp thứ 4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng. Đây là vấn đề rất mới, chưa có trong luật hiện hành nên đã nhận được những ý kiến băn khoăn, thận trọng. Vậy việc thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng có thực sự cần thiết? Khi quy định hiện hành chưa có, cần giải bài toán này như thế nào?

Thế giới hiện có khoảng 5.000 khu thương mại tự do và sẽ tăng lên khoảng 6.000 khu trong 5 năm tới. Hơn nữa, việc Trung Quốc tập trung xây dựng Thương cảng tự do tại đảo Hải Nam, cách Hải Phòng chừng 200km đang gây áp lực cạnh tranh trực tiếp, đòi hỏi có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và cạnh tranh quốc tế cho thành phố cảng. 

“Hết sức cần thiết!”

Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của TP. Hải Phòng”.

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng (Tờ trình) của Chính phủ xác nhận, trên thực tế, khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa đề cập đến khái niệm này. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế khá phổ biến trên thế giới. Dù không có định nghĩa chung, thống nhất nhưng về nguyên tắc đều giống nhau, đó là các nước thiết lập khu này như một công cụ chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại.

Thế giới đang có hơn 5.000 khu thương mại tự do, dự báo có thể tăng thêm 1.000 khu trong 5 năm tới. Đáng chú ý, khu thương mại tự do phổ biến ngay cả ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Hoa Kỳ (300 khu), châu Âu (gần 100 khu)... Ở châu Á, Trung Quốc và Singapore đang triển khai mạnh mẽ nhất mô hình này.

Riêng Trung Quốc những năm gần đây đã xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khu thương mại tự do phù hợp với điều kiện, trình độ, xu hướng phát triển trên thế giới. Hiện nước này có 18 khu thương mại tự do (gồm 6 khu mới thành lập tại các địa phương duyên hải và có đường biên giới trên đất liền). Trung Quốc cũng đang tập trung xây dựng Thương cảng tự do tại đảo Hải Nam trở thành cảng có quy mô tiếp nhận hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và được áp dụng thể chế đạt đẳng cấp quốc tế cao nhất.

Hải Phòng nằm trong không gian vịnh Bắc Bộ và chỉ cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 200km. “Việc xây dựng Thương cảng tự do tại đảo Hải Nam đang gây áp lực cạnh tranh trực tiếp lên cảng Hải Phòng, đặt ra yêu cầu cấp bách cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và cạnh tranh quốc tế áp dụng cho khu vực này. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thành công của khu thương mại tự do trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm và xem xét lựa chọn áp dụng đối với Việt Nam mà trước tiên tại TP. Hải Phòng là hết sức cần thiết”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Còn theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng trong Đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển (Đề án), việc Trung Quốc tập trung cao độ mục tiêu và nguồn lực quốc gia vào phát triển Hải Nam thành Thương cảng tự do sẽ “đặt Việt Nam vào thế tiếp tục “tụt hậu” xa hơn; đặt hệ thống cảng biển Việt Nam, trước hết là cảng Hải Phòng ra ngoài hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics) và các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực”.

Hải Phòng đáp ứng điều kiện tiên quyết để xây dựng Khu thương mại tự do
Nguồn: Báo Đầu tư

Chúng ta sẽ được gì?

Theo Đề án của UBND TP. Hải Phòng, mặc dù nước ta chưa có khu thương mại tự do song có Khu kinh tế mở Chu Lai là “gần gũi nhất”, bao gồm: chính sách ưu đãi về đầu tư; sử dụng đất; chế độ tài chính, lao động, tổ chức kinh doanh, xuất, nhập cảnh, cư trú, thông tin liên lạc và một số quy định về quản lý nhà nước.

Tuy vậy, sau gần 20 năm hoạt động, Khu kinh tế mở Chu Lai chưa phát huy hết cơ hội do các cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, địa bàn không có sẵn một cảng biển đủ lớn, và đặc biệt là không có một “hậu phương công nghiệp” tiềm năng to lớn phía sau để làm chỗ dựa cung cấp nhân lực, chân hàng, dịch vụ hậu cần... “Những thiếu hụt này chắc chắn sẽ được khắc phục và phát huy tác dụng ngay nếu địa điểm được lựa chọn là Hải Phòng”, Đề án nêu rõ.

Đối chiếu kinh nghiệm về việc phát triển thành công mô hình khu thương mại tự do trên thế giới, Tờ trình của Chính phủ cho rằng: Việc xây dựng Khu thương mại tự do thí điểm tại Hải Phòng là cần thiết bởi hội đủ 2 điều kiện tiên quyết. Một là, vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (có cảng biển nước sâu quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế). Hai là, có “hậu phương công nghiệp” vững vàng, tiềm năng lớn hậu thuẫn phía sau, gồm các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hải Phòng đã và đang có bứt phá về phát triển, nhất là phát triển công nghiệp chế tác, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện - điện tử…

“Việc đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng là phù hợp với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới và cụ thể hóa mục tiêu, định hướng, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 45-NQ/TW”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Vấn đề được dư luận quan tâm là khi xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng chúng ta sẽ được gì? Đại diện Chính phủ cho rằng, điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng mô hình thành công này của các nước trên thế giới tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời, tạo động lực khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu cửa ngõ phía Bắc nước ta; thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn trong những ngành nghề phù hợp; tạo việc làm; tăng kim ngạch xuất khẩu; chuyển giao công nghệ; xây dựng mạng lưới liên kết với sản xuất trong nước, nâng cao quy mô kinh tế cả nước.

Đan Thanh