Có thể thấy những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông đã diễn ra ở phạm vi rộng, tại hầu hết các địa phương, nhiều dòng sông đã trở thành “dòng sông chết”, nước mặt không có giá trị sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất của hàng vạn hộ gia đình sống ở khu vực gần đó.

Ô nhiễm sông đã diễn ra trên diện rộng
Hệ thống nước mặt của Việt Nam với hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng chục triệu con người. Tuy nhiên, những nguồn nước này đã và đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là các sông: Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Điều đáng nói, nhiều nguồn nước mặt tại không ít dòng sông đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Hệ quả là nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch và bị biến thành nơi dẫn, tiêu thoát và chứa nước thải.
Khảo sát của phóng viên tại một số con sông chảy qua địa bàn Hà Nội, như sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ, Kim Ngưu cho thấy, tại nhiều đoạn các sông này đều có màu nước đặc trưng là màu đen và có mùi hôi thối. Cụ thể, tại đoạn sông Nhuệ chảy qua làng Vạn Phúc, việc nước thải trong các cơ sở sản xuất không qua xử lý được thải ra đã gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề, mùi hôi thối và màu nước đen như mực. Không chỉ vậy, rác thải chất đống hai bên bờ sông và trôi nổi khắp trên mặt nước. Theo phản ánh của người dân các khu vực: Phú Diễn, Đại Mỗ, Vạn Phúc... từ nhiều năm nay, nguồn nước chảy theo dòng sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nặng, khả năng tự làm sạch gần như không có, dẫn đến việc nước từ sông không còn đủ điều kiện cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân dọc theo hai bên bờ sông khu vực này.
“Trước đây, khi nước vẫn còn sạch, lưu thông tốt, chúng tôi còn tắm giặt, rửa rau, đánh bắt tôm, cá. Nhưng giờ thì chẳng còn ai dám tắm giặt nữa vì nước đã bị ô nhiễm, đen thui, nhiều hôm bọt nổi trắng xóa. Nhất là về mùa hè, tình trạng hôi thối bốc lên từ con sông nồng nặc rất khó chịu. Nước ô nhiễm chảy đến đâu, cây cối và cá chết ở đó”- bà Nguyễn Thị Hằng, đường K3, Phú Diễn, Nam Từ Liêm bày tỏ.
Theo số liệu mới đây của Bộ Y tế, cứ trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và vệ sinh kém chất lượng; số ca mắc ung thư tới 100.000 người. Trong đó, nguyên nhân tìm ra là do nguồn nước ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh và độ an toàn cho người sử dụng.
Bệnh tật rình rập
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm tại các dòng sông nói chung là do sự phát triển nóng về dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến môi trường nước trong các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi. Đặc biệt, quá trình phát triển sản xuất kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp với sự gia tăng của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương, hoạt động sản xuất có những bước phát triển đáng kể, song công tác xử lý nguồn nước thải từ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế nên đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tầng nước mặt trầm trọng.
Đối với các cơ sở sản xuất, do chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, làng nghề truyền thống… đã ngang nhiên xả thẳng nước thải sản xuất ra sông ngòi. Việc xả thải này diễn ra trong thời gian dài đã biến nước sông thành màu đen nghịt, bốc mùi hôi thối. Nhiều chất độc hại cản trở sự sống của các sinh vật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, khiến cho nhiều dòng sông bị “bức tử”. Đó là chưa kể, lượng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất sử dụng trong canh tác nông nghiệp quay lại chảy vào nguồn nước cũng được coi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm các sông nghiêm trọng.
Tại nhiều diễn đàn về quản trị và bảo đảm an ninh nguồn nước, các chuyên gia về y tế và môi trường đều cho rằng, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm tổn hại lớn đến sức khỏe con người bởi nước ô nhiễm, nước bẩn là tác nhân chính của hàng loạt bệnh dịch truyền nhiễm như: Viêm màng kết, tiêu chảy. Không chỉ vậy, sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân sống xung quanh khu vực sông có nguồn nước ô nhiễm luôn trong tình trạng đáng báo động, ngày càng có nhiều người mắc chứng bệnh nan y như ung thư, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Một trong những ví dụ điển hình phải kể đến về việc ảnh hưởng bệnh tật là tại địa bàn xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên - nơi có dòng Bắc Hưng Hải chảy qua, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư những năm gần đây khá cao, có xóm chiếm tỷ lệ 80/100 nóc nhà có người mắc ung thư...
Từ kết quả điều tra nghiên cứu về kiểm soát bệnh tật của cơ quan chức năng trong những năm qua tại một số địa phương trong cả nước cũng cho thấy, những ca bị mắc các bệnh ung thư hay viêm nhiễm phụ khoa, tiêu hóa đường ruột hay các bệnh về da thường cao hơn so với những nơi có nguồn nước sạch. Tỷ lệ người mắc bệnh thường chiếm tới 40 - 50% - một con số cực kỳ cao, đáng báo động khi nguồn nước sử dụng đang bị ô nhiễm. Một điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ người mắc các loại bệnh ung thư cao. Theo như nhiều nghiên cứu khoa học, người sử dụng nguồn nước có chứa lượng asen trong đó sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất lớn, thường gặp nhất là ung thư da.