Tăng cường tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu

Bài 1: Mục tiêu phấn đấu bình đẳng thực chất

- Thứ Hai, 18/10/2021, 06:41 - Chia sẻ
Tăng cường sự tham gia và nâng cao hiệu quả của nữ giới trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp bảo đảm cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Đó không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ, của cả xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã nhìn nhận, đánh giá cao những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ; ghi nhận những đóng góp của phụ nữ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi sửa Di chúc năm 1968, Bác dành riêng một đoạn để nói về phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp tứ 16, HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 - ẢNH BIỆN LUÂN
Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp tứ 16, HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Biện Luận

Bảo đảm quyền tham gia quyết định chính sách

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và lập pháp; HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, vai trò quan trọng của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước, mỗi quyết định của Quốc hội, HĐND có tác động rất lớn tới sự phát triển của quốc gia, của địa phương, trong đó chắc chắn có tác động tới nam, nữ, tới sự bình đẳng của nam, nữ trên mọi phương diện. Vì vậy, mức độ tham gia của nữ giới trong các cơ quan quyền lực này sẽ bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi đáp ứng tốt hơn nhu cầu phổ quát của các tầng lớp xã hội.

Phụ nữ có những kinh nghiệm, trải nghiệm sống khác với nam giới về mặt sinh học và xã hội học. Theo đó, họ cần phải được đảm nhận những vị trí có tầm ảnh hưởng để có thể phát huy những kinh nghiệm và cách tiếp cận nữ giới trong quá trình hoạch định cũng như tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Mặt khác, nữ giới và nam giới có những quan tâm và lợi ích khác nhau, như vậy, sẽ công bằng và hiệu quả nếu những quan tâm và lợi ích đó được phản ánh đầy đủ và bảo đảm được quan tâm trong quá trình quyết định chính sách. Khi được tham gia ở những vị trí ra quyết định, phụ nữ sẽ góp phần tích cực trong việc đưa ra những định hướng sáng tạo, thúc đẩy cả nam và nữ phát huy mọi nỗ lực, sáng tạo trong môi trường cạnh tranh để tạo ra sự cân bằng, ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Có thể khẳng định, tăng cường sự tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp bảo đảm cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường. Đó không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ, của cả xã hội.

Bình đẳng ở các cấp hoạch định chính sách

Thực tế những năm qua, nhiều văn bản đã được Đảng và Nhà nước ban hành liên quan đến việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị - trong đó có sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động của cơ quan dân cử. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Với nghị quyết này, Việt Nam đã có cam kết ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị về việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Trên cơ sở đó, Hiến pháp và pháp luật đã xây dựng hành lang pháp lý để bảo đảm thực hiện cam kết đó.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ xác định mục tiêu 1 là “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”. Nghị quyết số 57/CP-NQ ngày 1.12.2009 khẳng định: “xây dựng cơ chế bảo đảm thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các quá trình ra quyết định, tăng tỷ lệ ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp”. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”...

Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, ngày 3.3.2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP). Chiến lược nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, mục tiêu 1 (trong lĩnh vực chính trị): “Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Chiến lược nhấn mạnh đến việc “tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách”.

NGUYỄN NHẬT