Đó là nội dung cơ bản của Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Đây là một giải pháp quan trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.
Định chế quan trọng bảo đảm hiệu quả, minh bạch và trung thực
Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, kiểm soát quyền lực nhà nước là một yêu cầu cần thiết trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng ở Việt Nam hiện nay. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc này đã tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước dựa trên việc phân công rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, tạo cơ sở cho cơ chế kiểm soát quyền lực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
Trong tổ chức của chính quyền địa phương ở nước ta, HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, có hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát. Trong đó, chức năng giám sát của HĐND được thể hiện ở những nội dung: (1) Giám sát của HĐND nhằm bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; (2) Giám sát của HĐND bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND; (3) Giám sát của HĐND nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương; (4) Giám sát của HĐND nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, góp phần tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Như vậycó thể thấy, bằng việc thực hiện chức năng giám sát, HĐND thể hiện vai trò cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Chức năng giám sát của HĐND là một trong các định chế quan trọng bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả, minh bạch và trung thực.
Trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
Thực hiện các quy định của luật, những năm qua, HĐND thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn. Điển hình là việc tham mưu, xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố, qua đó thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Theo đó, với phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả”; thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐNDcác cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Mục đích nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp thành phố; giải pháp cơ bản là đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp theo hướng thực chất, hiệu quả, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong hoạt động của HĐND là mấu chốt của mọi hoạt động.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã được HĐND các cấp nỗ lực triển khai, cơ bản hoàn thành và bước đầu đã có chuyển biến rõ nét. Các Tổ đại biểu HĐND thành phố và HĐND các quận, thị xã (không tổ chức HĐND phường) đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động TXCT, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của Nhân dân trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị. HĐND các huyện, HĐND các xã, thị trấn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát; tăng cường tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Vai trò của HĐND trong bộ máy chính quyền ở địa phương tiếp tục được khẳng định, nâng cao.