Nghị quyết số 37 với các chính sách mới, đặc thù, áp dụng thí điểm đã đưa Thanh Hóa lọt tốp các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với tư duy, tầm nhìn dài hạn và cách làm bài bản, linh hoạt đã giúp Nghị quyết số 37 thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, tạo “lực đẩy” phát triển mạnh mẽ.
Quyết liệt, bài bản, linh hoạt
Tại Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13.11.2021, Quốc hội ban hành thí điểm 8 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, gồm: chính sách về mức dư nợ vay; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Nhằm sớm đưa chính sách đi vào thực tiễn, ngay sau khi Quốc hội ban hành, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 45-KH/TU, ngày 6.12.2021, thực hiện Nghị quyết số 37. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 37 thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh; làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù; xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để nâng cao năng lực thực thi chính sách; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định, để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư.
Đặc biệt, để cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 37, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 30 nghị quyết quan trọng. Điển hình như: Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa; 3 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định: Nghị quyết của HĐND tỉnh không chỉ thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 37, mà còn góp phần tháo gỡ nhiều "nút thắt", "điểm nghẽn" trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển tại địa phương.
Trái ngọt từ chính sách thiết thực, hợp lòng dân
Có thể khẳng định, sự vào cuộc quyết liệt và những cách làm bài bản, linh hoạt của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã giúp Nghị quyết số 37 được triển khai hiệu quả, điển hình là chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Thực hiện chính sách đặc thù này, tại Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 29.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được ngân sách trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết nhằm phân bổ 3.000 tỷ đồng, để thực hiện 23 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu Kinh tế Nghi Sơn (các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định). Việc đầu tư hạ tầng để Cảng biển Nghi Sơn trở thành cảng loại 1 ngang tầm khu vực sẽ tạo “lực đẩy” lớn để Thanh Hóa sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành “cực tăng trưởng” mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đối với chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện nghị quyết. Căn cứ các quy định và tình hình thực tế, nguồn bổ sung tăng thêm 45% đã được HĐND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, để phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải khẳng định: Do đặc thù của tỉnh Thanh Hóa có diện tích rộng lớn, dân số đông, địa hình phức tạp, khó khăn nên nhu cầu ngân sách chi cho an sinh xã hội và đầu tư phát triển rất lớn. Nguồn ngân sách tăng thêm từ Nghị quyết số 37 đã tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để thu hút các dự án trọng điểm, quy mô lớn, tạo động lực, không gian phát triển mới cho kinh tế của tỉnh.
Các chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 37 đang tạo ra “trái ngọt”, minh chứng là tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,6%, trong đó, năm 2021 đạt 9,44%, đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,4%, đứng thứ 7 cả nước; năm 2023 đạt 7,01%, đứng thứ 29 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước; quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 đạt 272.950 tỷ đồng, gấp 1,45 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh tiếp tục có bước đột phá.
Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với tư duy, tầm nhìn dài hạn và cách làm bài bản, linh hoạt, các nghị quyết mang tính định hướng lớn như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và mang tính đặc thù như Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội đã và đang được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, Nghị quyết số 37 với các chính sách mới, đặc thù, áp dụng “thí điểm” nên không tránh khỏi vướng mắc, khó khăn khiến một số chính sách chưa thể áp dụng trong thực tiễn.