Bài 1: Luận cứ lịch sử và pháp lý

Hương Sen 06/06/2016 08:30

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tài liệu ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt xuất hiện sớm nhất thế giới. Thế kỷ thứ XIX, địa danh Hoàng Sa, chữ nôm là “Bãi cát vàng”, được người phương Tây xác nhận là Paracels, trong đó mô tả Paracels là một vùng đảo, đá, bãi san hô dọc theo bờ biển miền Trung kéo dài đến tận ngoài khơi Bình Thuận.

Bản dập mộc bản ghi việc vua Minh Mệnh giúp thuyền buôn phương Tây bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836
Bản dập mộc bản ghi việc vua Minh Mệnh giúp thuyền buôn phương Tây bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836

Những chứng cứ thuyết phục

 Về trường hợp Trung Quốc, GS. Monique Chemillier-Gendreau nêu 2 câu hỏi: Trong suốt mấy thế kỷ này, Trung Quốc có tự mình chiếm được các quyền sở hữu trên đất này, cạnh tranh với Việt Nam trong cùng thời kỳ? Hoặc giả, trong thời gian ấy, Trung Quốc có nắm được quyền đối với các quần đảo ấy, xuyên qua cơ chế chư hầu ràng buộc hai nước? Để trả lời cho 2 câu hỏi ấy, GS. Monique Chemillier-Gendreau đã đưa ra những bằng chứng lịch sử để biện giải rằng: Không có dấu tích nào của Trung Quốc có ý nghĩa phản bác sự khẳng định chủ quyền của vua chúa Việt Nam đối với các quần đảo suốt dọc thời gian từ thế kỷ XVIII hoặc trước nữa, cho đến thế kỷ XIX, khi các vua chúa Việt Nam tổ chức hành chính để khai thác các đảo thuộc quyền tài phán của mình. Thậm chí, ngay trong các giấy tờ, văn bản của Trung Quốc cũng có những bằng chứng xác nhận không có những yêu sách của Trung Quốc trong trường kỳ lịch sử đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nghiên cứu của GS. TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, ghi chép của người phương Tây ở góc độ nào đó trở thành bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, năm 1634, tàu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonesia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa). Những thủy thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracels, sau đó cử nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa đã cho phép họ thuê tàu trở lại đảo đón 50 thủy thủ và lấy 4 thùng bạc. Câu chuyện này được J.M.Buch khai thác trong các tài liệu công ty Đông Ấn Hà Lan và công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1936.

Giữa thế kỷ XVIII, giáo sĩ kiêm thương nhân Pierre Poivre viết cuốn sách Mémoire sur La Cochinchine (Ký ức về Đàng Trong), xuất bản tại Paris năm 1744, đã nói đến việc nhiều khẩu thần công bố trí trên tường kinh thành mà ông tận mắt trông thấy, là của các con tàu phương Tây bị đắm được lấy về từ Paracels. Trong một tập tài liệu viết sau đó, Đô đốc M.d’Estaing cũng có nhận xét tương tự: “Xung quanh thành có một nơi để rất nhiều đại bác, nhiều khẩu là được để trang trí hơn là để sử dụng. Người ta cho rằng số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy về từ các vụ đắm tàu trước kia ở Paracels”.

Giám mục Jean Louis Taberd trong một bài viết về Việt Nam năm 1837, có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau: “Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông... Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi. Năm 1816, vua Gia Long đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông”. Ở đây, J. L. Taberd nói tới sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ, chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802), ông đã liên tiếp có chỉ dụ củng cố hoạt động của đội Hoàng Sa được thành lập bởi các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII.

Bìa sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của GS. Monique Chemillier-Gendreau
Bìa sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của GS. Monique Chemillier-Gendreau

Việt Nam duy trì liên tục chủ quyền quốc gia

Nhà nghiên cứu Trần Thái Bình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khi phân tích cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (NXB L’Harmattan Paris, Pháp, 3.1996) của GS. Monique Chemillier-Gendreau đã đánh giá cao những nghiên cứu, lập luận dựa trên góc độ lịch sử và pháp lý về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách đưa ra những dữ liệu tổng quát liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như sau: “Từ năm 1956, Trung Quốc đã chiếm lấy một phần quần đảo Hoàng Sa và đến 1974, chiếm cả phần còn lại bằng biện pháp chiếm đóng quân sự, gạt bỏ sự có mặt từ trước đó của Việt Nam trên đất ấy”. Tác giả phân tích, điểm Trường Sa ở gần bờ biển Việt Nam nhất (Cam Ranh) cách 250 hải lý, còn điểm Trường Sa gần nhất đối với đảo Hải Nam (thuộc Trung Quốc) cách xa đến 522 hải lý. Tuy nhiên, theo tập quán quốc tế, địa lý không phải luận chứng tiêu chí duy nhất, dù rằng người ta có thể nhìn sâu xuống đáy biển để thấy hòn đảo gắn với thềm lục địa của nước nào, hoặc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào.  GS. Monique Chemillier-Gendreau đã dựng được một thống kê biên niên sử các sự kiện về Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ thứ XVIII đến năm 1995, cho người đọc thấy các chế độ khác nhau của chính quyền Việt Nam thực sự đã liên tục thực thi chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo này qua nhiều thế kỷ.

Nghiên cứu quá trình sở hữu nguyên gốc đối với hai quần đảo, có chú ý cả các tư liệu và bản đồ Việt Nam và Trung Quốc từ cổ đại đến hiện đại, GS. Monique Chemillier-Gendreau nhận định, cho đến khi thuộc quyền bảo hộ của Pháp theo Hiệp ước 1884, nước Việt Nam đã duy trì liên tục chủ quyền quốc gia của mình ở đây, không có sự tranh chấp nào. Đây là một quyền phù hợp với hệ thống pháp lý của thời đại đối với hai quần đảo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Luận cứ lịch sử và pháp lý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO