Bài 1: Lỗi thời, lạc hậu?

Đan Thanh 24/09/2018 06:58

Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Thời gian qua, mặc dù hệ thống cơ chế chính sách về quản lý định mức và giá xây dựng theo từng giai đoạn đã có những thay đổi, song theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các quy định vẫn lỗi thời, lạc hậu.

Đã có nhiều thay đổi

Cả nước hiện có khoảng hơn 20.000 định mức, đơn giá xây dựng, hầu hết được lập từ thời bao cấp, không còn phù hợp và việc triển khai thực hiện cũng lộn xộn, gây đội vốn, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sớm hoàn thiện hệ thống định mức và đơn giá xây dựng để phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Xây dựng hiện là ngành kinh tế lớn khi duy trì mức tăng trưởng khá cao, đạt 8,7% năm 2017, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp vào GDP. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, hoạt động xây dựng tăng trưởng 7,93% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (7,08%). Lượng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản hiện chiếm hơn 70% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên thực tế, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Đây là nhân tố cơ bản liên quan đến hiệu quả đầu tư của dự án và phát triển đô thị, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Toàn cảnh tòa nhà Landmark
Toàn cảnh tòa nhà Landmark

Trong những năm qua, hệ thống cơ chế chính sách về quản lý định mức và giá xây dựng theo từng giai đoạn đã có những thay đổi và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, từ năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đánh dấu sự đổi mới bằng việc chuyển sang nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường, bổ sung công cụ quản lý chi phí là chỉ số giá xây dựng. Tiếp đó, Nghị định 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã khẳng định giá xây dựng xác định theo giá thị trường. Hiện nay, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn lập và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị. Những thay đổi trên đã góp phần vào quá trình đổi mới quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành xây dựng, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng đã lạc hậu, lỗi thời.

Công nghệ đi lên vẫn dùng định mức, đơn giá cũ

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng, đặc biệt khi lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước tự xây dựng được tòa nhà cao thứ 10 thế giới Landmark 81 tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp tự tin rằng “chúng ta đã có một số doanh nghiệp xây dựng trong top đầu khu vực Đông Nam Á”. Thế nhưng, trái ngược với công nghệ như vậy, “các đơn giá định mức lại không theo kịp, hoặc quá cao, hoặc quá thấp so với thực tế khiến các nhà thầu trong nước vận dụng tính toán rất khó khăn”, ông Hiệp thừa nhận.

Để minh chứng, Chủ tịch GP Invest nêu những ví dụ cụ thể. Về nhân công làm bê tông, đơn giá quy định 600.000 - 900.000 đồng/khối nhưng thực tế nhân công thuê ngoài chỉ có 250.000 đồng/khối. Hay đơn giá nhân công làm trần thạch cao quy định từ 170.000 - 200.000 đồng/m2 nhưng thực tế cả công và vật liệu cũng chỉ 200.000 đồng/m2.

Ngược lại, về công tác lát, đơn giá nhân công theo quy định là từ 25.000 - 40.000 đồng/m2 và ốp là khoảng 70.000 - 120.000 đồng/m2. Song, thực tế thợ có tay nghề cao nhận mức tiền công lát lên tới 90.000 đồng/m2. Về láng sàn, trong định mức đơn giá chỉ có 16.000 đồng/m2 sàn nhưng thực tế GP Invest phải làm lên tới 50.000 đồng.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang làm tổng thầu cho 3 nhà máy nhiệt điện và cũng gặp nhiều khó khăn do định mức đơn giá gây ra. Phó Tổng giám đốc LILAMA Nguyễn Văn Hùng cho biết, khâu lắp đặt kết cấu thép cho nhà tuabin, theo đơn giá của Bộ Xây dựng thì định mức lắp đặt này rất thấp bởi chỉ tính mức kết cấu thép cho các công trình đơn giản, nhà xưởng thông thường. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện đòi hỏi phải huy động những chiếc cẩu lớn 200 - 300 tấn thay vì 30 - 50 tấn để làm những nhà tiền chế. Như vậy chi phí khác nhau rất nhiều. “Nếu vẫn áp dụng định mức để lắp đặt nhà tiền chế, nhà xưởng thông thường vào đấy làm thì chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỗ. Chưa kể về đơn giá sơn cho nhà máy nhiệt điện, hiện giá quy định các loại sơn hết sức thông thường mà trong nước có thể sản xuất, song sơn cho nhà máy nhiệt điện rất đặc thù, bảo đảm chống ăn mòn trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nên phải nhập khẩu. Như vậy, đơn giá hiện hành không bằng một nửa giá trong thực tế”, ông Hùng cho biết.

Sự lạc hậu của hệ thống định mức và giá xây dựng còn thể hiện ở chỗ nhiều công nghệ mới được áp dụng trong thực tế song lại chưa được điều chỉnh trong quy định hiện hành. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Lê Văn Nam lấy dẫn chứng, hiện, 70 - 80% dự án của doanh nghiệp này đã sử dụng cốp pha nhôm với nhiều ưu điểm như chất lượng tốt, tốc độ thi công nhanh hơn, tiết kiệm được 30 - 40% nhân công. Tuy nhiên, cốp pha nhôm hay bê tông mác cao, thép cường độ cao... đều không có trong hệ thống định mức, đơn giá. Do đó khi thanh toán cần có đơn vị thẩm tra độc lập, song chính đơn vị này cũng chưa có kinh nghiệm khiến kết quả không hợp lý, gây thiệt hại cho nhà thầu, chủ đầu tư. “Đây rõ ràng là sự không công bằng”, đại diện Tập đoàn Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Trọng Kim, hiện nay, công nghệ thi công có nhiều thay đổi theo hướng năng suất làm việc cao hơn, sử dụng máy thay thế nhân công nhiều hơn song một số định mức vẫn đang sử dụng máy thi công loại cũ. Chẳng hạn, về công tác ép, nhổ cọc cừ Larsen, trên thực thế có nhiều loại máy ép có tốc độ rất nhanh, cần rất ít nhân công. Việc quy định khấu hao cọc là 3,7% cho 1 lần đóng nhổ là cao, cần phân loại địa chất khu vực ép nhổ cọc để xác định chính xác hơn hao phí nhân công, vật liệu, máy móc. Hay về tổ hợp máy đào, vận chuyển đất, đá theo định mức quy định cứng các cặp máy đào và vận chuyển là không phù hợp. Ví dụ: ô tô 5 tấn ứng với máy đào  0,8m3; ô tô 7 tấn ứng với máy đào  1,25m3... Trên thực tế, hoạt động của máy đào độc lập với ô tô, việc lựa chọn ô tô vận chuyển chủ yếu tùy thuộc vào cấp đường...

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Lỗi thời, lạc hậu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO