Triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14

Bài 1: Không chỉ giải quyết đói nghèo!

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:51 - Chia sẻ
Xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vốn đã là cuộc chiến vô cùng khó khăn, tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở khu vực này còn nằm ở chỗ một số dân tộc rất ít người sẽ biến mất nếu không được quan tâm đặc biệt.

Từ nỗi lo về chất lượng dân số

Theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Việt Nam hiện có 16 dân tộc rất ít người, bao gồm Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ngái, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Lô Lô, Mảng, Lự, Chứt, Pà Thẻn, La Ha, La Hủ. Nhóm dân tộc này hiện có hơn 74.000 người, chiếm 0,08% dân số toàn quốc và 0,55% cộng đồng dân tộc thiểu số. Tương đương mỗi dân tộc có dân số từ vài trăm đến dưới 10.000 người.

Các dân tộc rất ít người đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn; đói nghèo, lạc hậu bủa vây. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cơ bản không đầy đủ, trình độ thấp, thiếu kỹ năng, thiếu vốn, thiếu đất đai và phương tiện sản xuất lạc hậu… dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo khu vực này thường cao gấp 4 lần so với các nhóm dân tộc khác.

Những rào cản này khiến nhiều ĐBQH bày tỏ quan ngại về thực trạng dân số của nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, như tuổi thọ trung bình thấp hơn 3 - 4 năm so với cả nước; tầm vóc thể lực thấp so với các dân tộc khác; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao (29,2%), nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân; tỷ lệ thiếu máu, thiếu các loại vitamin ở mức cao. Lo ngại hơn, tình trạng học sinh bỏ học cao, tỷ lệ người có trình độ đại học, thạc sĩ thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác…

Cùng với đó, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết còn khá cao trong khi đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái do mắc nhiều bệnh lý, làm giảm chất lượng dân số các dân tộc rất ít người nói riêng và nguồn nhân lực tương lai của đất nước nói chung. Một nguy cơ nữa đến từ việc một số dân tộc rất ít người đang sinh sống cùng với các dân tộc khác, sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, thậm chí là “lai” theo văn hóa của dân tộc khác, dần dần họ sẽ tự làm biến mất ngôn ngữ, phong tục văn hóa của mình.

Chính sách tín dụng ưu đãi góp phần làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đến sự chuyển mình

Tính đến tháng 10.2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng chính sách tín dụng ưu đãi, đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thụ hưởng hầu hết 20/20 chương trình. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay, còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này.

Các chính sách đã tác động mạnh mẽ đến vùng đồng bào dân tộc, làm thay đổi khá rõ nét mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào. Người Ơ Đu là một ví dụ. Hiện, dân tộc này có khoảng 700 người đang sinh sống ở xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Trước đây, đồng bào Ơ Đu cư trú dọc theo hai con sông Nặm Mộ và Nặm Nơn thuộc dãy Trường Sơn và sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm đồng bào chỉ làm một vụ lúa; công cụ làm rẫy gồm rìu, dao, gậy chọc lỗ. Nay ngoài trồng lúa, bà con Ơ Đu đã được chính quyền địa phương cho vay vốn, hướng dẫn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ và các loại cây công nghiệp như keo lá tràm, keo lá mỡ… cho thu nhập ổn định.

Cuộc sống của người Rơ Măm ở thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cũng đã thay đổi ngoạn mục. Trước đây, đồng bào sống hoang dã trong lòng đại ngàn. Trang phục là chiếc khố được làm từ sợi vỏ cây loong ptô; cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm... Phụ nữ Rơ Măm rất giỏi sinh nở, một cặp vợ chồng có thể sinh tới 7 - 9 đứa con nhưng do cuộc sống thiếu thốn, khắc nghiệt, bệnh tật phát sinh không có thuốc chữa trị… nên may lắm chỉ còn 1, 2 trẻ. Bởi vậy, trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 nhân khẩu thuộc 26 hộ. Tuy nhiên, với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào nay đã khác. Người Rơ Măm ở thôn Làng Le giờ đã có 186 hộ, với 685 nhân khẩu. Trong đó, nữ dân tộc Rơ Măm có 329 người, nam dân tộc Rơ Măm có 356 người - một sự hài hòa, đồng đều để phát triển bền vững ở góc độ dân số học.

Hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội ở thôn Làng Le đã khác trước rất nhiều. Đồng bào biết làm ruộng, cấy lúa và trồng nhiều cây công nghiệp. Riêng cây cao su - cây chủ lực ở vùng biên giới đã mang lại cho các gia đình nguồn lợi đáng kể như nhiều hộ đã sắm được máy cày, ti vi, xe máy và các đồ gia dụng hiện đại khác. Trẻ em Rơ Măm đều được đi học; văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn. Người Rơ Măm đã không còn bị đói, đang vươn lên cùng các dân tộc anh em.

Đặc biệt, nếu ai đã từng lên Tây Bắc, chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của đời sống đồng bào Mảng, La Hủ, Cơ Lao… mới thấy, các chính sách đầu tư và sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã thực sự hồi sinh cho các tộc người này. Chỉ gần 20 năm trước, các dân tộc này sống lay lắt trong rừng sâu với tình trạng nghiện ngập, chè chén, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… thậm chí có nơi tỷ lệ hôn nhân cận huyết chiếm trên 60% - 70% (như đồng bào Cơ Lao ở Hà Giang vào giai đoạn trước năm 2012). Thế nhưng, đến nay, đồng bào đã biết rời rừng sâu về sống tập trung thành từng bản; biết vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi trâu, bò; trồng lúa, ngô… Trong câu chuyện của thanh niên La Hủ, Cơ Lao ngày nay đã biết bàn đến cách thức chăn nuôi, trồng trọt, không còn hình ảnh mơ màng trong làn khói trắng của thuốc phiện.

Bình Nhi