Bài 1: Khó cân - đong - đo - đếm thiệt hơn...
Bộ Công thương đang đề xuất phương án điện 1 giá. Nếu theo phương án này, người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tính toán số tiền phải bỏ ra hàng tháng. Song còn câu hỏi khác cần được làm rõ là nhóm khách hàng nào sẽ được hưởng lợi? Nhóm nào sẽ chịu thiệt và mục tiêu khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện năng có thực hiện được hay không? Lựa chọn phương án điện 1 giá hay thực hiện song song cả bậc thang và 1 giá vẫn còn rất “gian nan”.
Bộ Công thương cho biết đang nghiên cứu phương án điện 1 giá song song cách tính theo biểu giá lũy tiến. Các chuyên gia nhìn nhận, áp dụng song song hai phương án giá điện bậc thang và điện 1 giá sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, tuy nhiên nếu áp dụng một giá điện thì nhóm có thu nhập thấp, người nghèo sẽ phải chịu thiệt thòi.
Khách hàng có thêm quyền lựa chọn
Số liệu thống kê của của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, năm 2016 mức độ sử dụng điện bình quân tại các hộ gia đình là 156 kWh/tháng, tuy nhiên đến năm nay, mức độ sử dụng điện bình quân ở các hộ gia đình đã tăng lên 189 kwh/tháng. Cụ thể, trong tháng 6 và tháng 7, hầu hết các khách hàng sử dụng điện năng đều tăng so với tháng 4 và tháng 5.2020. Đặc biệt số lượng khách hàng dùng trên 1.000kWh tăng từ 1,06% của tháng 5 lên đến 4,71% trong tháng 6 và đến tháng 7 tăng lên 6,58%.
Trước thực trạng nhiều người dân phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng đột biến thời gian qua, Bộ Công thương đang tính toán thêm phương án 1 giá điện để khách hàng có thể lựa chọn. Mức giá của phương án này sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh. Bộ Công thương cũng cho biết, nếu tính theo phương án này, tiền điện của các hộ có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 - 330.000 đồng/hộ/tháng.
Theo Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, đề xuất cách tính điện 1 giá của Bộ Công thương không có nghĩa là thay thế cách tính điện bậc thang hiện nay, mà là cùng lúc song song tồn tại hai phương án, từ đó người tiêu dùng có quyền quyết định lựa chọn phương án nào mà họ cho là có lợi cho mình. Tuy nhiên với đề xuất điện 1 giá, chắc chắn lựa chọn ấy sẽ là số ít, đó là những người đang tiêu dùng lượng điện cao (trên 400 kWh). Còn đối với những người sử dụng sản lượng điện thấp, vẫn sẽ lựa chọn cách tính giá điện bậc thang. Tôi cho rằng người tiêu dùng có quyền lựa chọn, nhưng lựa chọn thế nào cho có lợi cho mình thì phải hết sức cân nhắc và sáng suốt, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.
Dưới góc độ là một người tiêu dùng, anh Lê Quang Đức (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thực tế cho thấy có đến 70-80% người dân Việt Nam dùng điện dưới 300 kWh/tháng. Vì vậy, nếu áp dụng phương án điện 1 giá thì sẽ bất lợi cho những hộ gia đình sử dụng ít điện. Với mức thu nhập trung bình và sử dụng ít điện như gia đình tôi, tôi không đồng tình với phương án này. Bên cạnh đó, nếu áp dụng điện 1 giá thì mức giá nào sẽ được đưa ra để người nghèo không “gánh” cho người giàu, anh Đức thắc mắc.

Cách tính điện bậc thang nên được duy trì
Mới đây, tại Tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao”, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, việc tính giá điện dựa trên cách tính bậc thang nên cần được duy trì. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng cách tính giá điện bậc thang. Với xu hướng các nước càng giàu thì càng có xu hướng tiết kiệm điện, do đó việc áp dụng giá điện bậc thang sẽ hướng đến mục tiêu sử dụng điện hợp lý và không gây lãng phí nguồn năng lượng hữu hạn này.
Thực tế cho thấy, thu nhập của người dân tăng lên sau từng năm, mức độ sử dụng điện theo đó cũng tăng theo. Nhiều sản phẩm sử dụng điện như quạt, điều hòa, máy lạnh… cũng được người dân chi tiêu với số tiền lớn, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Trưởng Ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, với biểu giá tính tiền điện bậc thang đang được áp dụng, những hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện sẽ phải chi trả mức giá thấp hơn. Nếu đi theo hướng tiết kiệm điện và hỗ trợ các đối tượng nghèo, khó khăn, tôi cho rằng nên duy trì giá điện bậc thang, giống với cách làm như những nước văn minh trên thế giới, từ đó cũng nhấn mạnh được tính nhân văn của chính sách dành cho những người có thu nhập thấp, đảm bảo công bằng xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhìn nhận, nếu áp dụng 1 giá điện thì chủ trương an sinh xã hội và sử dụng tiết kiệm năng lượng có hiệu quả sẽ khó có thể đạt được. Với phương pháp này, những hộ gia đình sử dụng điện ít (dưới 200 kWh) tiền điện sẽ tăng, đây chủ yếu là các hộ nghèo, lâu nay vẫn được nhà nước trợ giá; còn những hộ dùng 400 kWh trở lên số tiền điện hàng tháng phải trả sẽ giảm.
Hiện nay chúng ta biết là có 6 bậc thang, bậc càng lên cao thì giá càng cao, khi sử dụng nhiều điện nhưng chỉ tính giá mức trung bình, thì những người giàu sẽ có lợi. Nhưng những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình thì đương nhiên đáng lẽ đang hưởng giá bậc thấp thì tính giá trung bình cao hơn thì lại không có lợi. Do đó, nếu dùng điện 1 giá sẽ không khuyến khích người dân sử dụng điện, dùng bao nhiêu giá cũng như vậy, còn nếu dùng điện bậc thang dùng số càng cao thì giá càng cao, nên người dân sẽ có ý thức tiết kiệm điện hơn, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh thêm.
Hiện nay, Bộ Công thương, EVN cũng đã có tính toán, đưa ra cải tiến biểu giá điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Theo đó, biểu giá này không làm tăng giá bình quân, bảo đảm cho khoảng 98,2% hộ tiêu dùng có mức tiêu dùng dưới 700kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí còn giảm.