Cầu nối chính sách
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời như một làn gió mới, làm thay đổi từ tư duy đến hành động của cả hệ thống chính trị; làm sâu sắc hơn giá trị nhân văn cũng như phát huy các giá trị về kinh tế, xã hội. Đây cũng là một bước cụ thể hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc "Thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội".
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh nói chung, Trà Cú nói riêng được nâng lên rõ rệt. Mỗi người dân, ngoài việc được thụ hưởng thành quả từ việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, họ còn cùng những người có uy tín, những nhà sư người Khmer trở thành cầu nối đưa các chính sách đó đến gần hơn với người dân.
Thầy giáo Sơn Ngọc Minh là một ví dụ. Anh vốn là giáo viên Trường Tiểu học Hàm Giang B, xã Đại An, huyện Trà Cú, nhưng nhiều năm nay, cùng với hơn 40 giáo viên là các nhà giáo và nhà sư chùa Giồng Lớn ở Ấp Cây Da, xã Đại An tình nguyện dạy tiếng Khmer cho các em học sinh trên địa bàn. Tại đây, ngoài dạy tiếng và văn hóa, trong các buổi thuyết pháp, Sư cả Trương Văn Biển - Trụ trì chùa Giồng Lớn còn giảng cho phật tử và các học sinh về mối quan hệ giữa đạo - đời và đặc biệt căn dặn mỗi phật tử, hàng ngày phải tự tu tâm nhưng không được quên nhiệm vụ làm kinh tế. Đối với các gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, không có vốn có thể tìm đến các chương trình cho vay từ NHCSXH huyện Trà Cú.
"Cũng nhờ những buổi dạy học trong chùa, tôi được biết thêm về các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH huyện; tôi đã động viên họ hàng mạnh dạn vay vốn. Kết quả, đã có 2 người cháu được vay vốn NHCSXH đi xuất khẩu lao động, đến nay, các cháu đã gửi những tháng lương đầu tiên về giúp gia đình vượt qua khó khăn" - thầy giáo Sơn Ngọc Minh kể.
Quả thật, làn sóng đổi mới và sự khát khao vươn lên đã hiển hiện rõ nét từ trong ánh mắt hân hoan của bà con phật tử. Đồng bào rất vui mừng, phấn khởi được NHCSXH hỗ trợ vốn, tạo việc làm, có thu nhập, đời sống sung túc hơn; mọi người ai nấy cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ... đây chính là nền tảng quan trọng để xã Đại An đạt nông thôn mới.
Khơi dậy khát khao đổi mới
Có sự ủng hộ chính sách từ Đảng, Nhà nước; có sự khích lệ động viên của các cấp ngành, của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng; đặc biệt, có sự trợ lực kịp thời của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đồng bào Khmer ngày càng khát khao đổi mới, vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương.
Về Đại An - xã có 71,5% là đồng bào Khmer sinh sống hôm nay, dấu tích của một xã đặc biệt khó khăn trong Chương trình 135 (Quyết định số 2405/QĐ-TTg) đã phai mờ. Thay vào đó, là một Đại An tràn đầy sức sống và tiềm năng từ việc phát huy lợi thế kinh tế gắn biển… Ngay cả ấp Cây Da, một trong 2 ấp giữ lại để tiếp tục được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 sau khi Đại An ra khỏi danh sách xã khó khăn năm 2015, cũng đã thay da đổi thịt kể từ khi Chỉ thị số 40/CT-TW bao phủ khắp ấp trên xóm dưới.
Chủ tịch UBND xã Đại An Nguyễn Trường Tam cho biết, từ khi là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, bản thân ông luôn xác định đó là một trách nhiệm rất quan trọng. Từ đó, chỉ đạo, quan tâm tuyên truyền các chính sách, chủ trương pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách tín dụng trên địa bàn để cho bà con nắm, tiếp cận các nguồn vốn gắn với các định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã để sản xuất chăn nuôi, đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, để chính sách đi sâu vào cuộc sống, xã đã tuyên truyền vận động người uy tín tham gia vào công tác tuyên truyền, động viên các bà con người dân tộc chia sẻ giúp nhau làm ăn trong kinh tế. Trong đó, có 2 sư cả trụ trì hai chùa Nam Tông Khmer trên địa bàn xã.
Trưởng Ban Quản trị chùa Giồng Lớn Trần Kẹo chia sẻ thêm, trước đây, khó khăn nhất với đời sống của phật tử tại địa phương là vốn. Vì vậy, cùng với việc vận động phật tử chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, chúng tôi phối hợp với Đảng ủy, UBND xã và NHCSXH tuyên truyền cho bà con các chủ trương, chính sách, chương trình vay vốn. Đặc biệt vào ngày rằm và 30 hàng tháng, có khoảng 300 phật tử đến chùa - là thời cơ tốt để chúng tôi tuyên truyền các chính sách, gương thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách... Qua đó, bà con mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hay xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động.