Bài 1: Gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm
Thời gian qua, hoạt động của các HTX ở Yên Bái đang dần có những bước thay đổi căn bản và chất lượng. Nhiều HTX đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là tìm ra được phương thức hoạt động mới theo hướng gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng cho phát triển KT - XH, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Vai trò đầu tàu của người dân
Đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Yên Bái, việc phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới là rất cần thiết, bởi không những mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao mà còn thay đổi được tư duy sản xuất của người dân. Tuy nhiên, để các HTX thực sự phát triển bền vững rất cần nguồn vốn ổn định và dễ tiếp cận. |
Thời gian qua, với sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX thực sự đã làm “thay da đổi thịt” vùng đất Yên Bái, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho hội viên, người dân. HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (thôn Giáp Con, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên) là một mô hình tiêu biểu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với số vốn điều lệ của HTX tăng lên là 4 tỷ đồng, HTX đã giải quyết việc làm cho trên 42 thành viên và hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2018, HTX đã cung ứng phục vụ cho trên 300 hộ dân các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời trực tiếp thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nhân dân như sắn củ, hàng nghìn tấn vỏ quế, lá quế để sản xuất và cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh.
Được thành lập từ năm 2004, với 8 thành viên, hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh và sản xuất chè, HTX DVTH Kiến Thuận (xã Bình Thuận,Văn Chấn) là điển hình cho sự nhạy bén trong kinh doanh và đổi mới phương thức sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX DVTH Kiến Thuận Đỗ Văn Lừng chia sẻ, HTX DVTH Kiến Thuận đã “tiên phong” trong thực hiện liên kết chuỗi, tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho 54 thành viên và 35 hộ liên kết, với giá cao hơn giá thị trường 300 - 500 đồng/kg. Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương. Sản phẩm chè sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và xuất khẩu. Không những thế, HTX còn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách trên 800 triệu đồng (năm 2017), tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
![]() | |
HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công tâm cần vốn đầu tư dây chuyền chế biến tinh dầu quế | |
Ảnh: Xuân Việt |
Đánh giá sự tác động của HTX đến sự phát triển KT - XH của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Văn Chấn, Yên Bái) Hoàng Văn Vượng cho biết: Bình Thuận là địa phương sản xuất chè lớn nhất của tỉnh với trên 2.700ha và có tới 80% hộ đang sống nhờ cây chè. Bởi vậy, sự có mặt của HTX DVTH Kiến Thuận đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT - XH chung của địa phương. Hàng năm, riêng HTX đã thu mua khoảng 6.000 tấn chè cho bà con nông dân. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho người lao động, HTX DVTH Kiến Thuận còn cùng với địa phương tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, nhất là tiêu chí giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, HTX cũng đóng góp lớn trong việc thực hiện các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động văn hóa địa phương.
Cùng với HTX DVTH Kiến Thuận còn rất nhiều HTX hoạt động hiệu quả, giúp người dân vươn lên làm giàu như: HTX Thanh Niên (huyện Văn Yên), HTX 6/12 (xã Đào Thịnh, Trấn Yên); HTX DVTH Kiên Thành… Hiện, toàn tỉnh có trên 300 tổ hợp tác thu hút gần 28.000 thành viên; 307 HTX, trong đó 239 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; có 167 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 54,3%); 57 HTX cung cấp các dịch vụ đời sống và sinh hoạt; 17 quỹ tín dụng nhân dân... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và đóng góp hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Nỗ lực hỗ trợ từ cơ sở
Năm 2019, Yên Bái phấn đấu thành lập mới 40 HTX, khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển, đưa tổng số lượng HTX năm 2019 là 322 HTX; số lượng thành viên trên 25.760 người. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là trên 7.300 người; doanh thu bình quân đạt trên 3.370 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động là 48 triệu đồng/năm… |
Không phải ngẫu nhiên mà các HTX lại hoạt động hiệu quả và đem lại tác động tích cực trong phát triển KT - XH của địa phương. Ngoài nỗ lực của chính bản thân các HTX, còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo, trong giai đoạn mới này, Yên Bái sẽ triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các HTX. Đối với những HTX đang sử dụng đất nhưng chưa được thuê đất, tỉnh sẽ tạo điều kiện trong việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Riêng với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tỉnh sẽ thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.
Ngoài ra, Yên Bái cũng tiếp tục thực hiện mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX. Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập HTX; các HTX thành lập trước ngày 1.7.2013 tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 được xem xét hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/HTX. Hàng năm, ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh dành một phần kinh phí từ Chương trình Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 để ưu tiên hỗ trợ các HTX tham gia triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức các hội chợ, triển lãm cho khu vực HTX; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa và một phần kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và khuyến công để ưu tiên hỗ trợ các HTX trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Có thể thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp cùng với sự năng động, sáng tạo của người dân, các mô hình HTX ở Yên Bái đang dần trở thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho các xã viên và người lao động trên địa bàn tỉnh.