Phòng, chống tham nhũng đồng bộ với phòng, chống tiêu cực

Bài 1: Đột phá vào đạo đức, kiến tạo thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:30 - Chia sẻ
Lời Tòa soạn: Để thật sự xứng đáng là một Đảng cầm quyền, Tổng Bí thư, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, rằng: Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. NHỊ LÊ, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản với mong muốn làm rõ hơn luận điểm rất quan trọng này.

 TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Chúng ta có chống được tham nhũng không? Đó là thách thức sinh tử trên con đường phát triển. Đó đang là trọng sự nóng bỏng đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hiện nay. 

Gần ba thập kỷ trước, điều mà không ít người tưởng như nguy cơ tham nhũng là nghịch lý đó đã cảnh báo chúng ta, khi tham nhũng mới chỉ dừng lại là một trong 4 nguy cơ đối với sự phát triển của đất nước tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII (tháng 1.1994) của Đảng.

Nhưng, chỉ gần 30 năm sau đó, tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nó đe dọa sự sinh tử của Đảng, của chế độ; làm ngả nghiêng, rối loạn nhịp phát triển trên không ít phương diện của đất nước; làm nao núng lòng dân và xâm hại quốc thể nước nhà, tới mức không thể dung thứ, không thể không bài trừ triệt để, nếu dân tộc muốn phát triển.

Qua thực tiễn phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ ba lỗ hổng cần phải đột phá lấp đầy và bịt kín. 

Trước hết là vấn đề đạo đức. Đức là cái gốc để làm người chân chính. Lịch sử xưa nay cho thấy, đất nước bại vong, thể chế đổ nát, ấy chính bởi nạn quan tham lại nhũng! Chính trị là đạo đức. Vì thế, đối với cán bộ, trước hết là cán bộ chiến lược hiện nay, nhất là các chính trị gia gánh trọng sự đất nước, càng phải hội tụ và thể hiện điều đó, ngõ hầu sao cho: Quan liêm dân tự an!

Xây dựng Đảng về đạo đức, đó chính là phương diện thứ tư của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Một loạt nguyên và Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên và Ủy viên Trung ương Đảng cùng hơn 100 cán bộ cao cấp, hơn 30 tướng lĩnh bị xử lý chỉ trong 5 năm qua, càng cảnh báo nguy cơ đó, càng cấp báo “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” đang tác yêu, tác quái. Nó làm cho không chỉ những người ấy vướng vòng tù tội, phương hại danh dự của Đảng, sức mạnh của chế độ, sự sinh tử của dân tộc mà còn đe dọa vị thế, sức mạnh và uy tín của đất nước và rộng hơn là xâm hại Quốc bảo lòng Dân - cái gốc của thể chế. Suy cho cùng, những điều đó từ đạo đức mà ra.

Do đó, chưa bao giờ như hiện nay, vấn đề đạo đức hành động và hành động đạo đức của cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước ta, với thể chế, chế độ lại nóng bỏng và còn mất khôn lường, cấp bách phải đột phá như hiện nay. 

Hai là, về đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, trước hết là cấp chiến lược. Đây được xem là rường mối quốc gia, tinh hoa thể chế, sức mạnh và uy tín của Đảng và Nhà nước, danh dự của quốc gia, quốc thể của đất nước. Tư tưởng chính trị và đạo đức hiện nay đối với cán bộ nói chung chính là ở đây. Một “tổ kiến hổng” cũng có thể làm “sụt toang đê vỡ”, huống chi nguy cơ bao nhiêu lợi ích nhóm hiện hữu trong đội ngũ này thì sự đoàn kết trong Đảng còn đâu, sự thống nhất quốc gia khác gì như “trứng để đầu đẳng”, nguy ngập khôn lường. Họ có khác gì “giặc nội xâm”? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện; giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. 

“Vạ trong tường vách”! Dứt khoát phải đột phá vào lĩnh vực này!

 Ba là, chỉnh đốn và hoàn bị thể chế, pháp luật. Xin nhắc lại: Dùng đức để trị chỉ có thể yên được mười dặm, dùng pháp để trị chỉ có thể yên được trăm dặm nhưng kết hợp cả đức trị và pháp trị thì nhất định giữ yên được muôn dặm sơn hà xã tắc. Vả nữa, pháp luật sẽ làm nên tư tưởng, hình thành đạo đức. Qua xử lý các vụ việc tham nhũng, vấn đề pháp luật càng nổi lên rõ ràng và lộ rõ là “lỗ hổng” cần kíp phải bịt kín. Vì thế, cùng với đột phá vào vấn đề đạo đức, không thể không đột phá vào việc kiến tạo thể chế và đổi mới hệ thống pháp luật hoàn bị và tiến bộ song trùng với xây dựng đội ngũ chính trị gia xứng tầm. 

Có thể nói, đó là ba khâu đột phá để lấp những “lỗ hổng” tuyệt đối trong cuộc phòng, chống tham nhũng sinh tử hiện nay. Nếu bỏ một khâu thì đại cuộc nghiêng, bỏ hai khâu thì đại cuộc nguy, bỏ ba khâu thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ thất bại.