Bài 1: Động lực quan trọng góp phần thay đổi căn bản, toàn diện
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021- 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã đem đến những thay đổi tích cực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Nghệ An… Việc triển khai thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình đã giúp người dân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Chương trình 1719 đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1, Dự án 4… của Chương trình đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho bà con ở địa bàn khó khăn.
Chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc phối hợp thực hiện
Với diện tích rộng, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn… Cùng với những đặc thù riêng, khi Chương trình 1719 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 được triển khai, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vi Sơn kiểm tra công trình giáo dục tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Trung Kiên
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và kiện toàn Ban Chỉ đạo. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thành lập Tổ Công tác thực hiện Chương trình; chỉ đạo UBND các huyện thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các Chương trình mục tiêu Quốc gia và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Ban quản lý cấp xã, Ban giám sát cộng đồng bảo đảm năng lực quản lý, tổ chức triển khai Chương trình theo quy định.
Việc tổ chức bộ máy, thành lập Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình ở địa phương kịp thời, phù hợp và đúng quy định. Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của UBND tỉnh, nhất là công tác chỉ đạo rà soát những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, định mức trong thực hiện Chương trình 1719.
Đáng chú ý, cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành được thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả nhất định. Các nội dung công việc liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương đều được triển khai lấy ý kiến, tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định… Cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân thực hiện, được xây dựng ngay từ đầu giai đoạn triển khai Chương trình 1719, với định hướng tăng cường phân cấp và giao quyền cho địa phương; những nội dung cơ sở thực hiện được giao cho cơ sở; những nội dung mới, mang tính chất liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp thì các cơ quan cấp tỉnh thực hiện.

Đến nay, cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình 1719 đã được tỉnh Nghệ An ban hành đầy đủ theo yêu cầu và quy định của Trung ương. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được quan tâm thường xuyên, liên tục theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chế độ báo cáo được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có chất lượng theo định kỳ và yêu cầu của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trong 3 năm (2022-2024), HĐND tỉnh đã giao nguồn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương hơn 1.923 tỷ đồng; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.944 tỷ đồng… Theo đó, nguồn vốn được giao để thực hiện ở cả 10/10 dự án của Chương trình nên tỉnh Nghệ An kỳ vọng Chương trình 1719 sẽ là động lực quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản, toàn diện vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực tế, từ nguồn vốn được đầu tư, đã có nhiều phần việc quan trọng được thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao mức sống, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn văn hóa… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Minh chứng như kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... tiếp tục được đầu tư xây dựng mới, hoặc nâng cấp, sửa chữa, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ... Cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhiều tổ nhóm sản xuất được hình thành và hỗ trợ, góp phần tạo thêm việc làm mới.
Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, triển khai các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ trang thiết bị máy móc vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị… đã góp phần thay đổi phương thức phát triển sản xuất tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện nâng cao đời sống cho hộ dân tham gia dự án. Từ đó, giúp các hộ nghèo có sinh kế, có việc làm, từng bước thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân, như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4)… đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2024, tỉnh Nghệ An đang thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 86 hộ; hỗ trợ đất ở cho 725 hộ dân của 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 3.462 hộ và 7.030 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán… Cùng với đó, tính đến nay, Chương trình 1719 đã đầu tư xây dựng 295 danh mục dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt...); đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án trường học; đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án về văn hóa; đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho 228 nhà văn hóa…
Điểm nhấn rõ nhất là đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 và năm 2022 của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3,63% và 3,74%, vượt kế hoạch, mục tiêu được giao… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Chương trình 1719 không chỉ đem lại những tác động tích cực, rõ nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm, nhà ở, đất sản xuất...; và quan trọng nữa là đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới và cộng đồng thôn bản ngày càng phát triển.