Bài 1: Đổi thay từ chủ trương bố trí cán bộ đứng đầu tại cơ sở

Khánh Trinh - Trương Tâm 26/12/2024 20:04

Chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương được nêu từ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25.01.2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”. Từ năm 2019 đến nay, với quyết tâm chính trị và hành động cụ thể, 100% trưởng Công an cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không là người địa phương, tạo động lực cho sự đổi mới, cải thiện tình hình an ninh, trật tự, tạo bình yên cho nhân dân.

Bình yên cho nhân dân

Sơn Hoá là một xã vùng cao của huyện Tuyên Hoá với địa hình đồi núi cao chạy dọc hai bên, giữa là thung lũng địa hình gò đồi thấp, với 7 thôn và khoảng 4.500 nhân khẩu. Người dân chủ yếu tập trung tại Quốc lộ 12A với đời sống hiền hoà, bình yên giữa lòng dãy núi đá vôi… Hoạt động về đêm cơ bản không đa dạng, nhưng với hệ thống điện đường, trường trạm khá đầy đủ, người dân vẫn an tâm ra ngoài.

Tuy vậy, cách đây khoảng 10 năm, tình hình an ninh trật tự từng khiến người dân bất an, lo ngại khi ra ngoài về đêm. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Quế (68 tuổi) đã gắn bó gần như cả cuộc đời với vùng đất chôn rau cắt rốn tại thôn Tam Đăng, xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) nhớ lại: “Tôi làm nghề nông, sinh ra và lớn lên, rồi lập nghiệp có gia đình ở đây luôn. Nhớ lại thì cách đây cũng lâu lắm rồi, thanh niên ngày ấy cứ đêm đến là hay tụ tập đi xe ở ngoài đường. Thi thoảng có gây gổ, đánh nhau”, ông Phạm Xuân Quế cho biết.

“Các thanh niên còn dùng hung khí, tụ tập rồi lập băng nhóm, nên lúc ấy buổi tối người dân cũng không dám đi ra ngoài nhiều”, chị Trần Thị Toàn (SN 1982), Bí thư chi bộ thôn Kim Sơn, xã Sơn Hoá cho biết thêm.

caqb-1.jpg
Công an huyện Tuyên Hoá phối hợp với Công an xã Sơn Hoá, Trường mầm non Sơn Hoá tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh cấp Căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi

Vùng quê nghèo, hoạt động giải trí không có nhiều, cùng với việc địa bàn ở vùng núi phân bố dân cư không đều, xa trung tâm, dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Cho đến khi lực lượng công an xã bán chuyên trách được thay bằng lực lượng công an chính quy, trưởng công an xã không phải là người địa phương, đời sống nhân dân đã đổi khác toàn diện, trở thành một dấu mốc mà nhiều người dân vẫn ghi dấu.

“Không rõ cụ thể là khi nào, có lẽ khoảng vài năm trước, lúc lực lượng công an xã được củng cố hơn, xóm làng bình yên, quy củ hơn”, ông Phạm Xuân Quế chia sẻ.

Sự thay đổi nhanh chóng mà người dân thuật lại, lại chính là một quá trình lên kế hoạch và hành động của lực lượng công an xã với lãnh đạo đứng đầu không phải người địa phương, ngay từ khi về nhận nhiệm vụ.

Bước đi đầu hiệu quả

Trung tá Phạm Thanh Diệu (SN 1982), Trưởng công an xã Sơn Hoá là một trong những cán bộ đầu tiên nhận nhiệm vụ thuyên chuyển theo chủ trương trưởng công an cấp cơ sở không phải người địa phương tại Quảng Bình.

Nhận định và tìm hiểu tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn lúc bấy giờ, Trung tá Phạm Thanh Diệu đã cùng đồng đội lập kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp bắt đầu từ tuần tra nhân dân trong đêm vào các khung giờ cao điểm, phối hợp tuyên truyền vận động và răn đe; đối với các đối tượng cá biệt, thực hiện biện pháp giáo dục phối hợp với răn đe… Đối với các vụ việc vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây mất trật tự an ninh của nhân dân thì trực tiếp xử phạt theo quy định pháp luật.

anh-ma-tuy-son-hoa-2.jpg
Công an xã Sơn Hóa đấu tranh với tội phạm ma tuý. Ảnh: ĐVCC

“Dần dần, lực lượng đã tạo được uy lực của công an chính quy tại địa phương, các đối tượng gây rối cũng dần hiểu được sức nặng của pháp luật, quay về tập trung làm ăn”, Trung tá Phạm Thanh Diệu cho hay.

Cũng từ năm 2019, Công an xã Sơn Hoá chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thực hiện triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma tuý trên địa bàn.

Thực hiện các đề án của từ Trung ương, trong đó có các nhiệm vụ lớn như Đề án 06 chuyển đổi số, cấp căn cước… với đội ngũ hạn chế nhưng các đơn vị công an xã cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh đều tập trung hoàn thành nhiệm vụ.

Tại xã biên giới Trường Sơn, với địa hình khó khăn cách trở, nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia, đường bộ giao thông đến trực tiếp với bản, lực lượng công an xã đều tìm mọi cách linh hoạt, phù hợp với địa bàn, để hỗ trợ người dân cấp căn cước và hoàn thành 100% thu thập thông tin của bà con đồng bào.

“Theo Luật Căn cước 2023 quy định tại Điều 19, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, không bắt buộc. Chúng tôi đã rà soát thông tin và tập hợp danh sách để đề xuất huyện lên làm căn cước cho công dân trẻ. Từ ngày 24 - 28.12, Công an huyện Quảng Ninh đã phối hợp công an xã Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ”, Trưởng Công an xã Trường Sơn, Thiếu tá Bùi Nam Trung chia sẻ.

Sự thay đổi cùng việc triển khai đồng bộ các chủ trương, đề án lớn đến tận cơ sở không chỉ diễn ra đơn cử tại một số xã, huyện, mà cơ bản đã tạo nên chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các thôn, bản có đặc thù.

caqb-2.jpg
Công an xã Trọng Hoá và lực lượng tổ an ninh trật tự tại cơ sở cùng Đoàn thanh niên và Đồn biên phòng Ra Mai khắc phục giao thông sau mưa lũ
caqh-9.jpg
Địa hình cách trở, khó khăn đặt ra nhiều thách thức, nhiệm vụ mới cho các lực lượng

Tại các địa bàn biên giới với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ chiến sĩ lực lượng công an cũng sáng tạo các phương cách “bám cơ sở”, lên kế hoạch cho việc học tiếng nói đồng bào để gần gũi với bà con, nói bà con nghe, làm bà con thấu hiểu. Bên cạnh đó, từ đồng bằng vùng xuôi ngược lên vùng khó, các cán bộ chiến sĩ cũng rõ cách biệt trong phát triển, từ đó dành phần thời gian còn lại trong ngày giúp đỡ người dân trong cuộc sống sản xuất và phát triển thường nhật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Đổi thay từ chủ trương bố trí cán bộ đứng đầu tại cơ sở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO