Kinh tế Nhà nước: Vì sao chủ đạo và để xứng đáng vai trò chủ đạo?

Bài 1: Đổi mới thể chế kinh tế bắt đầu từ đổi mới tư duy

- Thứ Hai, 16/11/2020, 05:49 - Chia sẻ
Xử lý mối quan hệ rường cột của tiến trình đổi mới thể chế kinh tế bảo đảm sự vận hành giữa vai trò dẫn dắt nền kinh tế của kinh tế nhà nước và các nhân tố có tính cách cấu thành làm nên hệ động lực của nền kinh tế quốc gia là thách thức lớn nhất trong công cuộc phát triển nền kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế hiện nay.

Kinh tế nhà nước là chủ đạo và đó là về nguyên lý. Nhưng, trước yêu cầu phát triển thực tiễn mang tính quy luật, chủ đạo như thế nào và những vấn đề chung quanh nó, hiện nay vẫn đang là vấn đề nan giải, về phương diện đổi mới thể chế. 

Chủ đạo và chủ đạo như thế nào trước các nguyên lý của thị trường?

Chủ đạo là làm chủ đường lối, là dẫn dắt, là “cầm nhịp”, chứ tuyệt đối không phải làm thay; là làm những việc các thành phần kinh tế khác không thể làm, không muốn làm và không làm được, để giữ vững bản chất và tổng thể sức mạnh nền kinh tế quốc dân, trên con đường XHCN. Không có ai và thành phần kinh tế nào có thể thay thế và thay đổi được nó. Tức là nó giải quyết những việc bất khả thực thi của các thành phần kinh tế khác. Nếu khác đi sẽ không có và không còn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nữa. 

Mặc dù vậy, về “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng XHCN luôn có tính thời sự, vẫn đang có những ý kiến khác nhau. 

Có ý kiến phản biện rằng, “chủ đạo thì phải chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân”. Không nhất thiết phải như vậy, vì nếu là vậy và được như thế, không cần gì phải bàn thêm. Như đã nói, nó giữ vị trí, vai trò dẫn dắt! Kinh tế nhà nước là đầu tàu. Cái đầu tàu không phải là toàn bộ con tàu, nhưng thiếu nó, con tàu không phải là con tàu, cố nhiên không thể vận hành được. Với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, vấn đề tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp rằng, kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nhưng nhận thức cần nhất quán rằng, nếu duy chỉ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thể là chủ đạo, càng không thể làm chủ đạo, không phải là công cụ duy nhất điều tiết kinh tế vĩ mô, mà trong thời gian tới, về thực tiễn cần được giảm thiểu tỷ trọng một cách cần thiết, để nhường lại không gian phát triển cho các khu vực kinh tế khác, nhất là khu vực tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Chính điểm “nút” này đã gây nên những sự lệch pha, khi một số ý kiến đem đồng nhất DNNN với kinh tế nhà nước rồi phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Do đó, nếu hiểu vai trò chủ đạo là vai trò dẫn dắt thị trường, khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, thì nó lại liên quan đến cách sử dụng kinh tế nhà nước như thế nào và sự phối hợp trong việc sử dụng cả hệ thống công cụ của Nhà nước (trong đó có công cụ về thể chế và định chế), chứ không đơn thuần chỉ là lực lượng vật chất nằm trong tay Nhà nước mà DNNN chỉ là một bộ phận cấu thành. Vì thế, cho đến nay, dường như khi nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhiều người nghĩ ngay và chỉ chú tâm nghĩ đến việc duy trì lực lượng DNNN, thậm chí cho rằng, nó phải độc quyền, nên vô hình trung đã đi ngược bản chất của thị trường. Đó là một sai lầm chết người.

Từ thực tế trong hơn 20 năm qua ở TP Hồ Chí Minh chứng thực điều ngược lại đó. Nếu năm 1991 khu vực nhà nước chiếm 50,1% GDP, khu vực ngoài nhà nước chiếm 41,8% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 8,1% GDP, thì đến năm 2013, các tỷ lệ trên lần lượt là: 17,9%; 58,7% và 23,4%. Chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn thực hiện tốt hơn vai trò của Nhà nước ở địa phương trong việc điều hành kinh tế trên địa bàn, thu ngân sách, giải quyết việc làm, thậm chí tham gia ổn định giá cả có hiệu quả. Do đó, chưa thấy mối liên quan trực tiếp nào giữa tỷ trọng cao của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP với việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đây là thực tiễn cần rút ra để định vị vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và DNNN trong cơ chế thị trường của Việt Nam... sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng XHCN trong mô hình kinh tế của Việt Nam. Vấn đề quan trọng là, giải pháp làm thế nào để gỡ được các “nút thắt” thể chế hiện nay, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế. 

Không nên có “ngoại lệ” cho bất cứ loại hình doanh nghiệp nào

Khi xem thực tế nền kinh tế thị trường ở các nước xã hội dân chủ, có ý kiến cho rằng, họ không đề cập hay không nói đề cao kinh tế nhà nước là chủ đạo, hơn nữa càng không phải DNNN, rồi nói toáng lên rằng: Đây là “đặc sản” chỉ có ở Việt Nam và đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành; và nó cũng hiến định luôn cả việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Ấy thế mà chúng ta đang cầu cạnh người ta công nhận mình có nền kinh tế thị trường đầy đủ (?!) Nhưng, kỳ thực ý kiến đó lại chưa thấy, rằng, việc họ “không đề cập” hay “không nói đề cao” không có nghĩa là họ không làm. Lời cảnh báo của K.Marx về thói ba hoa ở đây đặc biệt có giá trị: Một bước tiến trong thực tiễn, lúc này, có giá trị hơn cả hàng tá cương lĩnh suông. Vả nữa, kinh nghiệm từ tất cả các nước phát triển đều chỉ ra rằng, không một quốc gia nào không nắm lấy và phát triển xứng đáng kinh tế nhà nước cả. Không một quốc gia nào coi nhẹ vấn đề này cả. Nhưng, ở những “bước ngoặt” kinh tế và những “cú sốc” xã hội, khi cần giải cứu, thì kinh tế nhà nước ở những quốc gia ấy lập tức hiện diện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, để khắc chế cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu các năm 1997, 2008, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Liên minh châu Âu đã “tung” những đòn chí mạng từ các quỹ dự trữ chiến lược từ kinh tế nhà nước, chứ không phải điều gì khác. Điều đó gợi mở rằng, chúng ta không nên có “ngoại lệ” cho bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, dù DNNN hay doanh nghiệp tư nhân, khi chúng chỉ là những bộ phận của nền kinh tế quốc gia, trong cuộc phát triển rộng và sâu kinh tế thị trường, sẽ trình bày dưới đây. Điều đó khác hẳn với sự “đánh đồng cả gói” một cách nhập nhằng giữa DNNN là kinh tế nhà nước, ngõ hầu nhằm phủ nhận cả hai vấn đề và thực tiễn này đối với chúng ta.

Kinh nghiệm thực tế của chúng ta chứng tỏ vấn đề ở đây là vai trò của Nhà nước pháp quyền và sự quản lý - kiến tạo môi trường thể chế để cho thị trường phát triển đầy đủ, lành mạnh, văn minh - sao cho các mục tiêu phát triển kinh tế gắn chặt và bảo đảm vấn đề xã hội dân sinh được thực thi theo hướng công bằng, dân chủ, nhân bản, văn minh và phong phú hơn, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể. Và, không ít trường hợp, những quyết sách về kinh tế luôn đặt ngang, thậm chí đặt sau những quyết sách về chính trị và xã hội, để tránh rơi vào “vũng bùn” quyết định luận kinh tế, kinh tế vị kinh tế, trong lộ trình thực thi nền kinh tế thị trường những năm qua. 

Về vai trò quản lý của Chính phủ, có người nêu vấn đề: Ở Việt Nam nhiều người mặc định một điều hiển nhiên là Chính phủ được toàn quyền quản lý, điều hành nền kinh tế. Vấn đề tưởng chừng đúng đắn tới mức mặc nhiên này đặt trong mối tương quan với việc nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở thứ hạng các nền kinh tế yếu kém nhất thế giới lại đang buộc ta phải xem xét lại những điều lâu nay vẫn được xem là đúng đắn và tự mình “bằng lòng với mình”. Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách sai lầm yếu kém đơn lẻ, dù là cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó.

Vấn đề trở nên rõ ràng hơn là, việc đổi mới thể chế phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, thống nhất dù chỉ ở mức tương đối về nhận thức, trong đó có cả vai trò của kinh tế nhà nước, mà gần đây vẫn có ý kiến cho rằng, kinh tế nhà nước “không cần giữ vai trò chủ đạo” hoặc “nói vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì không thể nói tới kinh tế thị trường”(!). Logic và thực tiễn có thực sự như vậy không?

Rõ ràng là: Không!

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản