Đó là những nội dung Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu nhấn mạnh tại Hội nghị TXCT chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo” do Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp tổ chức.
Cử tri kiến nghị đẩy mạnh hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế biển
Tại hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển.Tập trung vào các vấn đề: đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá, nhất là đầu tư, mở rộng cảng cá Đông Hải; bảo vệ môi trường biển và các cảng cá; đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn mua nhiên liệu đánh bắt xa bờ, vốn đầu tư nuôi trồng thủy hải sản nhằm nâng cao thu nhập, đời sống người dân vùng biển; cần có giải pháp, chính sách hiệu quả hơn nữa bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu nhấn mạnh: Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị TXCT chuyên đề (sau thành công của Hội nghị TXCT chuyên đề đầu tiên về thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân vào năm 2023) là cần thiết. Đây là hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND, một kênh thu thập, tiếp nhận thông tin về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri liên quan đến hoạt động ngành, lĩnh vực, trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, làm cơ sở đề ra các chủ trương, giải pháp, giải quyết các vấn đề đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế.
“Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì và tăng cường tổ chức TXCT chuyên đề theo ngành, lĩnh vực, đối tượng để lắng nghe, tiếp thu, đôn đốc giải quyết hiệu quả ý kiến, kiến nghị của cử tri” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu yêu cầu.
Chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
Ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp trong hướng dẫn, triển khai, đôn đốc thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển, nhất là trong phát triển nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản; đầu tư hạ tầng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường nguồn lợi thủy sản. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu khẳng định: thời gian qua, kinh tế biển của tỉnh có những chuyển biến quan trọng, kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực được xúc tiến triển khai.
Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển được nhận diện đúng mức, nhất là tiềm năng về du lịch biển được nhiều nhà đầu tư quan tâm; tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đạt kết quả tích cực, chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, năng lực tàu thuyền được nâng lên, trang thiết bị hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và phát triển khu nuôi trồng thủy sản được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ. Sự phát triển của các ngành kinh tế biển đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ven biển chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng dân cư ven biển; phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển còn khó khăn; phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; vấn đề ô nhiễm môi trường vùng ven biển, cửa sông, rác thải tại các khu dân cư ven biển là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh. Những khó khăn, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân về nguồn lực, cơ chế, chính sách, công tác phối hợp…