Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2025)
Lời Tòa soạn: Lịch sử Việt Nam trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và là Đảng Cộng sản cầm quyền dài nhất trong các đảng cộng sản và công nhân quốc tế cho tới hôm nay. Và trong 95 năm đó, qua bao thăng trầm, Đảng vẫn đứng vững, tiếp tục đồng hành cùng Dân tộc và không ngừng phát triển. Đó là sức mạnh của Đảng trong vận mệnh phát triển Việt Nam. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930-3.2.2025), Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản với chủ đề: “Đảng lãnh đạo, cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách mạng Việt Nam”.
Bài 1: Đảng lãnh đạo, cầm quyền và sứ mệnh lịch sử của Đảng
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Tròn 55 năm trước, tháng 5.1969, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Và 42 năm sau đó, năm 2011, Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”. Và, năm 2016, tại Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền.
Trước thềm kỷ nguyên mới, vấn đề Đảng lãnh đạo, cầm quyền càng là vấn đề cực kỳ hệ trọng, đặt ra rất nhiều trọng sự hết sức mới mẻ và phong phú đối với Đảng trước yêu cầu phát triển của đất nước, thật sự ngang tầm thời đại.
Đảng lãnh đạo, cầm quyền - thách thức từ lịch sử 100 năm thế kỷ XX và XXI
Những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, một “rừng” đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta lúc bấy giờ nhảy ra tranh đoạt vũ đài lịch sử dân tộc, đông đúc chưa từng thấy.
Lịch sử cho thấy: Đảng của giai cấp nông dân là Nghĩa hưng (năm 1907); đảng của giai cấp tư sản, địa chủ, như Lập hiến (năm 1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức tiểu tư sản, như Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (năm 1927), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927)... rồi đảng của bọn tay sai của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, như Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng (những năm 40 tới khi Việt Nam giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945), nhất là các đảng phản động, như Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)...
Trong số ấy, chỉ một số đảng mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, số còn lại những mưu toan tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ. Nhưng rốt cuộc, tất cả những đảng đó đã lùi vào dĩ vãng của lịch sử và bị dân tộc chôn vùi rất lặng lẽ trái với sự huyên náo đến hỗn loạn lúc các đảng này xuất hiện trên chính trường Việt Nam lúc bấy giờ. Các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc bị giải tán.
Lúc bấy giờ, xã hội Việt Nam “giấu một cái gì đang sục sôi, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”; bởi ở Việt Nam “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi”, cấp bách đòi hỏi “bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến” và “chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Trong khung cảnh hỗn loạn ấy, ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Không ồn ào như các đảng trên ra đời từ sớm, mà trái lại, Đảng bị kẻ thù vây bủa, đàn áp đẫm máu, bị các đảng khác đương thời chèn ép, tranh đoạt, đã lặng lẽ hiện diện, thậm chí ở nước ngoài. Đảng gánh vác trọng trách lịch sử sinh tử đó như một tất yếu không gì cưỡng và cản nổi. Đó là cuộc gặp gỡ tất yếu của lịch sử giữa chủ nghĩa Mác - Lenin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước được hun đúc và sục sôi trong truyền thống mấy nghìn năm gan góc, hy sinh oanh liệt của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương nòi.
Đó là sự kết tinh khát vọng của Nhân dân, là lời đáp câu hỏi phát triển của lịch sử dân tộc, là sự vận động của đất nước phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, không gì cưỡng được, không thế lực nào cản nổi, tròn 95 năm qua. Nhân dân đón nhận, chở che và trưởng thành trong lòng dân tộc, Đảng ta trở thành người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, “con nòi của giai cấp lao động”, dẫn dắt đất nước không ngừng trưởng thành, không phụ lòng tin cậy, sự ủy thác của Nhân dân, xứng đáng với niềm tin cậy của bầu bạn năm châu.
Phẩm giá tinh hoa đó chung đúc nên Đảng ta. Chân lý Việt Nam độc lập tự do và Tổ quốc XHCN phồn vinh, dưới ngọn cờ của Đảng, là lẽ tự nhiên và tất yếu!
Nhớ lại những năm 1930 - 1931, Đảng cùng Nhân dân làm một cuộc duyệt binh lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, kẻ thù vây bủa, âm mưu bóp chết Đảng. Và, bao xương trắng máu đào các chiến sĩ cách mạng và Nhân dân đổ xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Tất cả sự hy sinh của các bậc tiền nhân và 20 triệu đồng bào ta khiến kẻ thù run sợ, khuất phục mọi điều luật thực dân, báo hiệu Tổ quốc phải tới ngày độc lập, dân tộc Việt Nam phải tới cõi tự do.
Tất cả sự hy sinh của các bậc tiền nhân và đồng bào ta hiến dâng cho sự thiêng liêng và cao cả hơn hết thảy, là Tổ quốc phải độc lập, Dân tộc Việt Nam phải tự do, đã làm kẻ thù run sợ và khuất phục khí phách và đạo lý Việt Nam!
Năm 1945, bằng cuộc Cách mạng tháng Tám, Đảng cùng Dân tộc lật nhào "ngai vàng" nghìn năm phong kiến thống trị và phá tan xích xiềng ngót một thế kỷ nô lệ thực dân, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; mở ra kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Đó là một bước đi ngắn của cách mạng nhưng là bước tiến dài của dân tộc từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”, có ý nghĩa mệnh hệ của đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa thế kỷ XX.
Ngày 7.5.1954, Dân tộc ta làm nên một Điện Biên lừng lẫy, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của nó, giải phóng miền Nam.
Với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, Dân tộc ta hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của 31 triệu đồng bào.
Một chân lý giản dị của thời đại tỏa sáng ở Việt Nam: Những kẻ chà đạp nền độc lập tự do của dân tộc khác, thì chính sự độc lập tự do của họ tự bị tổn thương, thậm chí tự bị chính họ sỉ nhục và chà đạp.
Dân tộc ta tự tin vững bước trên con đường XHCN trong kỷ nguyên mới
Dưới ngọn cờ của Đảng, 95 năm qua, trên nền móng giang san xã tắc mấy nghìn năm, Dân tộc ta tự tin vững bước trên con đường XHCN. Và, đặc biệt, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 40 năm Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta giữ vị thế mới, sức mạnh mới và uy tín mới vươn tới hùng cường và nhịp bước cùng thời đại. “Thành công của Việt Nam cũng là thành công của toàn thế giới. Mô hình của Việt Nam đã đạt đến những thành tựu của chủ nghĩa xã hội”(1).
Đó là thắng lợi tất yếu và vẻ vang của chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên đất nước ta; là hiện thân triết lý phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam bằng sự trung thành và độc lập; đổi mới, sáng tạo và dân chủ, kỷ cương của Đảng trong truyền thống Việt Nam với đạo lý cao thượng và bản lĩnh bất khuất; đoàn kết và khoan dung.
Đó là thắng lợi to lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, của truyền thống đại đoàn kết, khí phách và đạo lý của 54 dân tộc với 100 triệu đồng bào được hun đúc qua trường kỳ mấy nghìn năm, dồn tụ và phát triển lên một tầm cao mới, chất lượng mới, dưới ngọn cờ của Đảng; là sự tiếp tục kiên định con đường XHCN và hiện thực hóa công cuộc Đổi mới tất yếu, tối ưu, phù hợp, hiệu quả của đất nước bằng đổi mới tư duy, tầm nhìn, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thông các nguồn lực và hành động thống nhất, sáng tạo, cụ thể của dân tộc.
Đó là thắng lợi tất yếu của tình hữu ái vô sản, tình đoàn kết keo sơn chính nghĩa của nhân loại tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; là khí phách Việt Nam bất khuất và kiên trung, tự tôn và trọng thị; là lương tâm, phẩm giá thủy chung, nhân ái, chan hòa và cầu thị của dân tộc trong tiếp thu và tiếp biến nền văn minh nhân loại, hội nhập cùng thời đại.
Đó là phẩm giá và danh dự 95 năm qua không thể gì tiêu diệt của Đảng; là sự kết tinh và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm giá “con nòi” của dân tộc, của người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của Nhân dân, sinh ra, chiến đấu và hy sinh tất cả vì dân tộc, vì đất nước, vì Nhân dân, đáp lại niềm tin và sự cổ vũ của nhân loại tiến bộ.
Xét tổng thể, toàn bộ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xã hội 95 năm qua có thể hình dung gồm 3 nhóm công việc chính yếu.
Một là, hoạch định đường lối chính trị (đối với Đảng) và chính sách, pháp luật (đối với Nhà nước) đúng đắn nhằm phát triển đất nước không ngừng. Hai là, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối chính trị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Ba là, kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn bộ việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách dân chủ và chặt chẽ.
Đảng ta đảm nhiệm vai trò lãnh đạo kể từ ngày thành lập (3.2.1930) cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám năm1945 đến nay, Đảng đảm nhiệm cả 2 vai trò: lãnh đạo và cầm quyền.
Nói khái quát, hiện nay, Đảng cầm quyền là sự tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện có quyền lực nhà nước và Đảng lãnh đạo xã hội bằng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đồng thời lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội và dân tộc Việt Nam bằng phương thức và nghệ thuật phù hợp thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có thể thấy, sau 95 năm lãnh đạo cách mạng, đã kết tinh và ngày đòi hỏi phát triển những vấn đề có tính quy luật và quy luật về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền trong kỷ nguyên mới của đất nước.
(1) Website: bqp.vn, mod.gov.vn/Dư luận quốc tế đánh giá cao về Đại hội lần thứ XII của Đảng, ra ngày 31.1.2016.