Bài 1: Đang đứng trước những thách thức lớn

Thanh Hải 22/08/2020 05:51

LTS: Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển KT - XH, công nghiệp hóa, đô thị hóa, trong khi 3/4 tổng số trữ lượng nguồn nước phụ thuộc vào khu vực bên ngoài, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cấp bách về an ninh nguồn nước, với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm ngày một gia tăng, khó lường. Thực tế này đòi hỏi phải đưa ra những mục tiêu, phương châm chỉ đạo và giải pháp phù hợp để xử lý các vấn đề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt gây ra cho cả hiện tại và tương lai.

Bài 1: Đang đứng trước những thách thức lớn

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận mong mỏi của cử tri Tây Nguyên về nguồn nước an toàn, bền vững, khi mà các nương, rẫy trơ khấc vì“đói nước” ngay trong mùa mưa. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực Tây Nguyên. Hiện trên cả nước có những nơi thiếu nước triền miên, có những nơi lại chịu đựng hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự nhìn nhận đúng hơn về tầm quan trọng và yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước.

Những nương, rẫy xơ xác vì… đói nước

Kết thúc đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín đầu năm nay, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đau đáu khi chứng kiến cuộc sống thiếu nước của bà con Tây Nguyên. Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, những nương, rẫy cà phê, hồ tiêu xơ xác vì “đói nước”, dù đang trong mùa mưa. Không chỉ xuất hiện ở khu vực Tây Nguyên, nước ta cũng có những nơi triền miên chịu đựng hạn hán, dù trước đây vẫn có một số tháng trong năm bà con có thể canh tác lúa nước, như Ninh Thuận, Bình Thuận…, thì nay hạn hán gần như xảy ra quanh năm. Một thực tế nghe tưởng nghịch lý, đó là ở vùng “bốn bề sông nước” như đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đã đọc được nỗi niềm mong mỏi, khát khao của các cử tri về một nguồn nước được an toàn và bảo đảm bền vững”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Nắng hạn làm hàng trăm hecta cà phê của người dân huyện Đức Cơ, Gia Lai bị cháy khô. Nguồn: ITN
Nắng hạn làm hàng trăm hecta cà phê của người dân huyện Đức Cơ, Gia Lai bị cháy khô.
Nguồn: ITN

Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường từng cho biết, dù đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, song 2020 là một năm “cán đích” lịch sử mới cả về… mức độ hạn hán và tốc độ xâm nhập mặn. Năm 2020 này, chúng ta phải sử dụng đến khái niệm “kiệt” nước trong đất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường sống ở đây. Số lượng hộ thiếu nước trong năm 2020, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần được các tỉnh, thành phố ở khu vực này sử dụng để tính toán, cân đối phương án xử lý theo từng địa bàn. Bởi, về mặt quản lý Nhà nước, không ai sâu sát, thực hiện hiệu quả bằng chính quyền địa phương, nên các tỉnh, thành phố cần rà soát lại, qua đó xác định giải pháp ứng phó phù hợp.

Trong số các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan do hạn hán kéo dài, thì nặng nề hơn cả là Ninh Thuận và Bình Thuận. Việc nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn đã và đang làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ, gây thiệt hại lớn đến sản xuất của bà con, nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Thực tế, năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn 2 xã không bị xâm nhập mặn, song đến năm 2020, thì 100% số xã đã bị xâm ngập mặn, với độ mặn đạt trên 10‰ trong nhiều tháng liền. Tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt từ 60.000 - 200.000 đồng/m3. Cùng với đó là hàng chục nghìn héc ta lúa, cây ăn quả bị thiệt hại, với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng. Nông dân điêu đứng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.

Qua đợt khảo sát tình hình thực hiện bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập chứa nước tại Cà Mau, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, đây là vùng đất thấp, đa phần chỉ cao hơn mặt biển 0,5m, nhưng liên tục bị lún với tốc độ từ 1 - 2cm/năm, cùng với nước biển dâng 1cm/năm thì chỉ sau 25 năm đa phần diện tích của tỉnh sẽ xấp xỉ mặt nước biển. Hiện nay, nhiều đoạn của Quốc lộ 1 trên địa bàn Cà Mau hàng năm đều bị ngập do triều cường. Ngoài ra, Đoàn khảo sát cũng nhận thấy, vấn đề kiểm soát mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng làm sạt lở bờ biển ở suốt dải đất từ Tiền Giang đến Cà Mau, Kiên Giang đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trước thực tế này, câu hỏi được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra, đó là: Chúng ta "thuận thiên", sống chung với ngập lụt, nước biển dâng hay chúng ta ngăn chặn nó, giữ đất bằng hệ thống đê, kè như Hà Lan?

Khó chủ động quản lý, khai thác nguồn nước

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú về lượng mưa, nguồn nước mặt trong hệ thống sông, suối và nguồn nước dưới đất. Theo số liệu Bộ NN - PTNT công bố, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ mét khối.  ­­Tuy nhiên, qua khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, 63% nguồn nước mặt của nước ta tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ (hai con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng là trên 50%). Do vậy, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực, các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Đặc điểm này cũng khiến nước ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên…

“Chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần là do nguyên nhân thiếu nước đầu nguồn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà nói.

Một thách thức khác trong quản lý tài nguyên nước ở nước ta, theo nhận định của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, là sự phân phối tự nhiên về nguồn nước không đồng đều cả về thời gian và không gian, mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng dự trữ nước. Đồng thời, theo tiêu chí của quốc tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thiếu nước (lượng nước bình quân đầu người của nước ta chỉ đạt 3.840m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên nước quốc tế). Và, nguy cơ này càng trầm trọng do biến đổi khí hậu, áp lực tăng dân số và sự phát triển nóng của tăng trưởng kinh tế.

Qua tham gia các Đoàn khảo sát, làm việc với bộ, ngành liên quan, điều Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặc biệt lưu ý, đó là mặc dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng GDP là rất thấp. Thực tế, mỗi mét khối nước mới chỉ tạo ra 2,37 USD tăng trưởng GDP, bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Trong khi đó, do sự phát triển của nền kinh tế với tốc độ bình quân 7% trong gần 35 năm đổi mới và tốc độ đô thị hóa rất cao từ 38 - 40%, dân số tăng nhanh chóng đạt 96 triệu người đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, nhiều tỉnh, thành phố đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn, chìm dưới mức nước biển, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - được coi là “vựa lúa, cây ăn quả” lớn nhất cả nước. Song song với đó, tình trạng hạn hán cũng diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Do vậy, việc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành khảo sát chuyên đề về việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập chứa nước với sự tham gia chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là đúng thời điểm và điểm nhấn là Phiên giải trình về chủ đề này. Thực tế quá trình khảo sát, giám sát đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về tình hình an toàn nguồn nước, chỉ ra được những nguyên nhân cốt lõi, cũng như giải pháp cấp bách cần triển khai đối với một trong những vấn đề quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước: Bảo đảm an ninh nguồn nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Đang đứng trước những thách thức lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO