Để việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sáchHĐND tỉnh Bắc Giang đề nghịThường trực HĐND tỉnh kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chuẩn bị chưa tốt, không chấp thuận bổ sung thêm nội dung khi chỉ còn dưới 10 ngày thì diễn ra kỳ họp HĐND. Với nghị quyết tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nghị quyết ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan của HĐND lấy ý kiến trực tiếp của đối tượng chịu tác động, cùng họp bàn tiếp thu các ý kiến xác đáng.
Phản biện, trao đổi kỹ những vấn đề còn ý kiến khác nhau
Chuẩn bị trình HĐND xem xét thông qua các nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách, trên tinh thần trách nhiệm cao và đồng hành với UBND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện những cách làm mới, hiệu quả. Đó là, Ban chủ động tham gia ngay từ bước đề nghị xây dựng nghị quyết và quá trình xây dựng nghị quyết, tham dự các cuộc họp bàn về nội dung; nghiên cứu, tiếp cận thông tin, xem xét đầy đủ cơ sở pháp lý, sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của chính sách cũng như nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thi hành khác. Đối với một số nghị quyết quyết định cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, Ban tổ chức khảo sát thực tế, tùy theo nội dung đề xuất Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động.
Cụ thể, Ban đã tham mưu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết về hỗ trợ chi phí sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025… Cách làm này đã thu được nhiều ý kiến có chất lượng của đối tượng thực hiện nghị quyết, nên khi các nghị quyết được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có tác động rõ nét đối với thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, Ban chú trọng chất lượng báo cáo thẩm tra các dự thảo nghị quyết. Xác định đây là tài liệu quan trọng, cơ sở để các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định thông qua nghị quyết tại các kỳ họp. Khi thẩm tra, Ban quan tâm làm rõ thẩm quyền, căn cứ pháp lý, thực tiễn và đi sâu xem xét sự phù hợp, khả thi trong tổ chức thực hiện (nhất là về mẫu biểu, thủ tục hành chính); chú trọng phản biện, trao đổi kỹ đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau để có sự đồng thuận cao trước khi trình HĐND tỉnh. Quá trình thẩm tra, Ban tích cực nghiên cứu, trao đổi những nội dung còn băn khoăn, có quan điểm rõ, có kiến nghị cụ thể để cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện. Một số nội dung phức tạp, chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý hoặc cơ sở thực tiễn, chưa thống nhất về phương án xử lý, Ban kịp thời báo cáo, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh phương án xử lý phù hợp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Kiên quyết từ chối những nội dung chưa bảo đảm
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnhBắc Giang, các nghị quyết vềkinh tế - ngân sách đã nhanh chóng đi vào thực tế cuộc sống, kịp thời phân bổ nguồn lực, phân bổ chỉ tiêu, quyết định danh mục công trình, dự án được thực hiện, hoàn thành thủ tục pháp lý… nên được chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân đón nhận. Một số nghị quyết đã nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển;một số nghị quyết về cơ chế chính sách tạo đà cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Từ đó, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực, đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Để việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghịThường trực HĐND tỉnh kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chuẩn bị chưa tốt, không chấp thuận bổ sung thêm nội dung khi chỉ còn dưới 10 ngày thì diễn ra kỳ họp HĐND. Với nghị quyết tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nghị quyết ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan của HĐND lấy ý kiến trực tiếp của đối tượng chịu tác động, cùng họp bàn tiếp thu các ý kiến xác đáng. Cơ quan xây dựng dự thảo nghị quyết phối hợp chặt chẽ vớiBan của HĐND tỉnh, chủ động trao đổi thông tin về cơ sở pháp lý, thực tiễn và các phương án tổ chức thực hiện chính sách.
Với kỳ họp chuyên đề đã dự tính trước (tháng 4, tháng 9 hoặc 10), UBND tỉnh cần đề xuất nội dung kỳ họp từ tháng trước đó. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo hoặc có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; với nghị quyết quy phạm pháp luật thì sau một đến hai năm cần kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất.