Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài 1: Cơ bản nhận được sự đồng thuận của Nhân dân

- Thứ Ba, 19/01/2021, 23:52 - Chia sẻ
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khóa VII, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận việc UBND tỉnh đã trả lời 100% (73/73) kiến nghị. Trong đó, UBND tỉnh và các sở ngành đã tích cực chỉ đạo, triển khai giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri, nhiều nội dung cơ bản nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Tuy nhiên, cũng có nội dung cần sự đồng hành, chia sẻ của người dân.

Làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ

Cụ thể, về quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng, đền bù giải tỏa. Đối với các kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật: Quá trình xem xét, giải quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành kiểm tra thực địa, rà soát, đánh giá thực trạng, giá trị sử dụng còn lại của các công trình, dự án, xem xét làm rõ tính cấp thiết của dự án, công trình để đầu tư, xác định lộ trình, kế hoạch cụ thể hoặc xem xét bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025…

Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát giải quyết kiến nghị cử tri tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế - ẢNH HÙNG SƠN
Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát giải quyết kiến nghị cử tri tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế
Ảnh: Hùng Sơn

Đối với các kiến nghị phản ánh việc thực hiện chậm tiến độ dự án: Các cơ quan chức năng đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, gắn với theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và xem xét thu hồi theo quy định nếu không hoàn thành việc đầu tư.

Ghi nhận các kiến nghị về đền bù, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra, xác định mức độ, giá trị thiệt hại để có biện pháp bồi thường, hỗ trợ và xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đúng quy định; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xử lý dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn khiếu nại và có các phương án đền bù, chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng. Chỉ đạo cơ sở công bố, giải thích cho người dân bị ảnh hưởng về chủ trương, chính sách bồi thường theo quy định nên cơ bản tạo được sự đồng thuận của Nhân dân.

Tăng cường kiểm tra, xử lý để hạn chế vi phạm

Đối với những kiến nghị về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận việc UBND tỉnh đã xem xét và bố trí kinh phí nâng cấp một số công trình phục vụ cho mục đích phát triển nông nghiệp và nông thôn. Các dự án, công trình chưa có nguồn lực để đầu tư cũng đã được nghiên cứu phương án để thực hiện khi điều kiện về ngân sách cho phép và có các giải pháp tạm thời nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất và an toàn của người dân.

Đối với các kiến nghị về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, ô nhiễm tiếng ồn của trạm nghiền đá tại đầm Lăng Cô; tình trạng xả nước thải, khí thải của các công ty đóng tại khu công nghiệp Phú Đa; đường dây điện hạ thế tại các xã Thủy Thanh, Phú Sơn không bảo đảm an toàn: Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm, nguy hại để xử lý và tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm kiểm soát, hạn chế vi phạm.

Các cơ quan chức năng cũng đã có những giải pháp để giảm giá nhằm hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất như: Đề xuất các biện pháp giảm giá lợn hơi, hỗ trợ lợn giống cho bà con tái đàn, tiếp tục chăn nuôi do bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết và thực tế sản xuất.

Rất cần sự đồng hành, chia sẻ

Trả lời những kiến nghị của cử tri về môi trường, điện, nước sinh hoạt, UBND tỉnh và ngành chức năng đã giải thích sự cần thiết và hợp lý của các dự án; đồng thời, cũng có những giải pháp không để xảy ra tình hình mất ổn định làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đối với các chủ trương, quyết định đầu tư như: Dự án Khu du dịch sinh thái nghỉ dưỡng thác Trượt, thăm dò khai thác và đặt nhà máy khai thác mỏ đá.

Đối với các kiến nghị về xem xét, điều chỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, phí bảo vệ môi trường, hiện nay ngân sách nhà nước phải chi hỗ trợ khá nhiều cho dịch thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Do vậy, chính quyền cần sự đồng hành, chia sẻ của người dân về những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên một thành phố Huế Xanh - Sạch - Sáng.

Điện lực Thừa Thiên Huế cũng đã làm rõ nguyên nhân tiền điện tăng đột biến trong những tháng mùa hè nắng nóng kéo dài được cử tri phản ánh và đã có những giải pháp như: Liên tục thông báo, thông tin đến khách hàng về các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trước tình hình hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao; kiểm tra, phúc tra các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện và thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, ngành điện có phương án tổng thể nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện và xử lý, khắc phục sự cố do thiên tai nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, cung cấp đầy đủ điện cho khách hàng.

Đối với các kiến nghị về việc các địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác vớt bèo lục bình và xử lý ách tắc dòng chảy ở đầu nguồn sông Bạch Yến: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan xác định mức độ ảnh hưởng; đề ra nhiều giải pháp phối hợp để giải quyết có hiệu quả xử tình trạng ách tắc dòng chảy, bảo vệ môi trường và vớt, xử lý bèo lục bình khá hiệu quả.

Về pháp chế, văn hóa - xã hội, chính sách, cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay đối với người có thu nhập thấp và có cơ chế lãi suất thị trường tạo điều kiện cho người dân các xã ra khỏi vùng khó khăn tiếp tục có vốn duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển. Tổng hợp những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế.

HÀ VĂN