Tăng cường năng lực thích ứng
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận về Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu, giai đoạn đến năm 2030 giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, rủi ro thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, bảo đảm Ninh Thuận chuyển hướng mạnh tới nền kinh tế thích ứng, xanh, an toàn, bền vững. Tăng cường khả năng chống chịu, nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế, hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH; tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại.
Giai đoạn 2030 - 2050, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của người dân, cơ sở hạ tầng, các hệ thống tự nhiên, nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai, bảo đảm mọi người dân được an toàn trước thiên tai, các rủi ro khí hậu. Thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm chủ động thích ứng với BĐKH, tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cùng với cả nước trong ứng phó với BĐKH.
Đưa sử dụng năng lượng tiết kiệm vào nhóm chỉ tiêu hàng năm
Nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Thuận đề ra chỉ tiêu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân hiểu biết cơ bản về BĐKH, phòng tránh thiên tai; 100% trường học, cơ sở đào tạo được phổ biến kiến thức về BĐKH, phòng tránh thiên tai. Hoàn thành công tác khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. 100% hồ chứa, công trình khai thác, xã nước thải vào nguồn nước được cấp phép phải có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến môi trường nước; tiếp tục duy trì nguồn nước sông Cái đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt loại A. Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn, bảo đảm 100% mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng do tỉnh đầu tư được lắp đặt thiết bị cảnh báo, quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến.
Cùng với đó, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49%; phấn đấu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 95%. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; 100% cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phải xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm theo quy định.
Nghị quyết của HĐND tỉnh xác định nâng cao hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH bằng việc phấn đấu thực hiện đạt 100% các nhiệm vụ, dự án ưu tiên theo kế hoạch; tăng diện tích tưới chủ động nước trên 70%. Bảo đảm ít nhất 95% dân số được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó ít nhất 80% dân số được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Có ít nhất 1 trường/xã, phường được đánh giá là trường học an toàn; 65% trường học trên địa bàn là nơi sơ tán, trú ẩn an toàn cho cộng đồng dân cư khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; xây dựng ít nhất 1 mô hình sinh kế bền vững thích ứng BĐKH dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng/địa bàn huyện, thành phố. Hàng năm, triển khai thực hiện ít nhất từ 1 - 2 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ về thích ứng với BĐKH, phòng tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đưa chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải, hấp thu khí nhà kính vào nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.