Bài 1: Chưa có sự khác biệt

Anh Dũng 31/03/2022 05:52

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở nước ta thời gian qua đã dẫn đến nhiều khác biệt và khoảng cách trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… giữa đô thị và nông thôn. Song chính quyền địa phương ở đô thị hiện nay về cơ bản vẫn được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền địa phương ở nông thôn.

Vẫn đồng nhất cấp chính quyền với cấp hành chính

Theo các chuyên gia pháp lý, một trong những hạn chế, bất cập của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 là vẫn đồng nhất cấp chính quyền với cấp hành chính (Điều 30, Điều 44, Điều 58). Do vậy, chính quyền địa phương các cấp, dù đô thị hay nông thôn vẫn đều có đủ hai thiết chế HĐND và UBND, trừ hai địa phương đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là Hà Nội (cấp phường, thị xã), Đà Nẵng (cấp quận, phường) và mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang áp dụng riêng tại TP. Hồ Chí Minh theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Vẫn còn đồng nhất giữa cấp chính quyền và cấp hành chính Nguồn: ITN
Vẫn còn đồng nhất giữa cấp chính quyền và cấp hành chính
Nguồn: ITN

Thiết chế HĐND của chính quyền địa phương ở đô thị cũng không có nhiều sự khác biệt lớn so với Hội đồng Nhân dân ở các địa bàn khác. Một số nơi, HĐND quận, huyện, phường thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn mang tính hình thức. Đây cũng là một trong những lý do dẫn tới sự ra đời của Nghị quyết 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số tỉnh, thành thời gian qua, hay thí điểm không tổ chức HĐND phường ở thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết 97/2019/QH14 từ 1.7.2021.

Đáng lưu ý là tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp đã qua nhiều lần sắp xếp nhưng chưa phân biệt rõ mô hình, tổ chức giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, hải đảo, đặc biệt đối với các đô thị lớn, cực lớn. Đơn cử như hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (đô thị loại đặc biệt) có các đặc điểm kinh tế, xã hội, phát triển đô thị và yêu cầu quản lý riêng, song về cơ bản tổ chức bộ máy không có nhiều điểm khác biệt so với các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh khác.

Đặc biệt, nhiều quận, phường của hai thành phố này có dân số đông, thu ngân sách lớn (ở Hà Nội, quận Đống Đa có dân số lớn hơn tỉnh Bắc Kạn, quận Long Biên thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương một tỉnh thu ngân sách trung bình khá) nhưng tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, viên chức về cơ bản vẫn áp dụng mô hình như một đơn vị hành chính cấp huyện. Đối với các phường cũng áp dụng mô hình tổ chức bộ máy như cấp xã nói chung.

Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ thống đô thị ở nước ta hiện nay được phân thành 6 loại (đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV và V) dựa trên 5 tiêu chí: vị trí, chức năng, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan.

Không thể "mặc đồng phục"

Đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ lớn, thành phần đa dạng, ít có sự gắn kết như ở nông thôn. Thêm vào đó, đô thị có những vấn đề rất riêng như tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…

Do đó, theo TS. Mai Thị Mai, Trường Đại học Luật Hà Nội, để thiết kế được mô hình chính quyền phù hợp phải dựa trên những đặc trưng của đô thị. Hoạt động quản lý nhà nước ở đô thị có tính phức tạp với khối lượng công việc lớn. Vì vậy, chính quyền địa phương ở đô thị cần được xây dựng trên cơ sở đề cao sự năng động và nhanh nhạy trong điều hành, nhất là giải quyết kịp thời các vấn đề “nóng” của đô thị như bảo vệ môi trường sinh thái; cung ứng các loại phúc lợi công cộng gắn với đặc điểm của không gian đô thị; quản lý hạ tầng xã hội về nhà ở, dịch vụ, thương mại, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể dục thể thao, ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng... Điều này cho thấy tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đô thị không thể giống và “đồng phục” như chính quyền nông thôn.

Đồng tình với quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn nêu thực tế, trong đơn vị hành chính đô thị có đơn vị hành chính nông thôn trực thuộc (huyện, xã, thị trấn); trong đơn vị hành chính nông thôn có đơn vị hành chính đô thị trực thuộc (thị xã, thành phố thuộc tỉnh); nhiều đô thị, phần nông thôn (huyện, xã) chiếm tỷ trọng lớn về diện tích tự nhiên và dân số. Phần đang đô thị hóa (phần giáp ranh giữa đô thị và nông thôn) ngày càng lớn so với phần đã đô thị hóa. Nhiều đô thị đang có quá trình mở rộng địa giới hành chính, chuyển cả huyện thành thị xã, thành phố hoặc chuyển các xã lân cận thành phường để đưa vào khu vực nội thành, nội thị. Từ đó đòi hỏi phải có những đặc trưng riêng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Chưa có sự khác biệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO