Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - tin tưởng xen lẫn lo âu

Bài 1: Chậm nhưng có phần chưa chắc

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:40 - Chia sẻ

Những ồn ào xung quanh giá sách giáo khoa, hay phản hồi bước đầu về chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới, có lẽ nằm trong dự đoán của nhiều người. Mặc dù việc tổ chức đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được đánh giá là khoa học, bài bản, với quyết tâm cao, nhưng đến nay, không chỉ chương trình, sách giáo khoa, mà các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học dường như cũng chưa theo kịp yêu cầu.

Lẽ ra, theo Nghị quyết 88/2014/QH13, từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (cuốn chiếu với mỗi cấp học). Tuy nhiên, do việc triển khai chậm, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình, và đến năm học 2020 - 2021 này mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Mặc dù đã chậm 2 năm, nhưng dường như kết quả chưa được như kỳ vọng.

Chương trình nặng, sách giáo khoa “sạn”

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020 - 2021. Theo đó, sau hơn một tháng triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới của lớp 1, Bộ đã kiểm tra, theo dõi và tiếp nhận được thông tin phản hồi từ các nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh cũng như cử tri cả nước, trong đó có một số tồn tại, bất cập cần được chỉnh sửa, hoàn thiện.

Cụ thể, chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 bị đánh giá là nặng, nguyên nhân được Bộ GD - ĐT lý giải một phần do chương trình mới với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo sẽ học các môn học khác tốt hơn, nên đã cơ cấu thời gian đầu của cấp Tiểu học học Tiếng Việt nhiều hơn (so với Chương trình năm 2006). Trong khi đó, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều (NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) được phản ánh có một số nội dung chưa chuẩn, chưa phù hợp (ngữ liệu, từ địa phương, truyện phỏng theo ngụ ngôn nước ngoài…).

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra các nội dung theo phản ánh cũng như tổng thể bộ sách, có kết luận cụ thể về các nội dung cần chỉnh sửa. Dựa trên báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ đã yêu cầu NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, để kịp thời tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học…

Những phản hồi về chương trình, SGK Tiếng Việt lớp 1 như nêu trên không khiến mấy người ngạc nhiên. Bởi mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này có sự thay đổi căn bản, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực người học; và đây là năm học đầu tiên áp dụng. Trong khi đó, áp lực thời gian cùng khối lượng công việc khá lớn, nhiều công đoạn, bị chi phối bởi nhiều bên liên quan, khiến cho kết quả có phần chưa được như mục tiêu, yêu cầu cũng như kỳ vọng của xã hội.

Bộ GD - ĐT cho biết, tới đây sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.

Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, có một số nội dung chưa chuẩn, chưa phù hợp, phải chỉnh sửa, hiệu đính  

Quyết tâm cao song triển khai thiếu chặt chẽ

Đánh giá một cách khách quan, nhiều chuyên gia cũng như thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đều ghi nhận, với việc thực hiện Nghị quyết 88, lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam, Bộ GD - ĐT đã xây dựng và ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước khi tổ chức biên soạn SGK (chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là công cụ). Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo định hướng, mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 88, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất giữa các môn học, các khối lớp, các cấp học từ tiểu học đến THPT với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa từng chia sẻ, nếu xét về công tác chỉ đạo, có thể nhận thấy quyết tâm cao của Chính phủ và Bộ GD - ĐT trong thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội; quá trình tổ chức triển khai khá bài bản.

Chính phủ cũng đã nỗ lực chỉ đạo, tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, và đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định, phê duyệt, đưa vào sử dụng cho năm học 2020 - 2021. Các tác giả biên soạn SGK đều là các nhà khoa học có uy tín, trong đó nhiều tác giả là thành viên Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD - ĐT; các bộ SGK đều được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD - ĐT thành lập theo luật định…

Tuy nhiên, dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học bị chậm so với kế hoạch, chưa bảo đảm lộ trình đặt ra, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn SGK. Đến nay, SGK cho người khuyết tật và SGK tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chưa được ban hành theo quy định.

Bên cạnh đó, cũng theo dự thảo báo cáo giám sát, quy trình thẩm định SGK trong một số khâu chưa chặt chẽ, có thể ảnh hưởng phần nào đến tính khách quan, công bằng. Cụ thể là quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định SGK chưa quy định số lần tổ chức thẩm định trong năm, chưa quy định rõ về tiêu chuẩn, yêu cầu đối với tác giả SGK, về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình Hội đồng thẩm định…

Một số quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới chưa tạo được sự đồng thuận cao, như quy định học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học tạo áp lực cho nhiều địa phương do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đáp ứng.

Nguyên Anh