Giải quyết tình trạng dân di cư tự do theo yêu cầu Nghị quyết 113/2015/NQ13

Bài 1: Cần chính sách đủ mạnh

- Thứ Ba, 10/11/2020, 07:09 - Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) cho thấy, tình trạng dân di cư tự do đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết số 113/2015/NQ13 ngày 27.11.2015 về nội dung “tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du”, thì tình trạng này mới chỉ giải quyết được một phần.

Chấm dứt tình trạng di cư ồ ạt

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN - PTNT Lê Đức Thịnh, dân di cư tự do từng là vấn đề nhức nhối trong phát triển kinh tế - xã hội trước khi Nghị quyết số 113/2015/NQ13 ngày 27.11.2015 về nội dung “tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du” được ban hành. Dân di cư gây ra các hệ lụy phức tạp, thậm chí đe dọa nguy cơ mất ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở những vùng kinh tế khó khăn.

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, giai đoạn từ 2005 - 2014, tổng số hộ dân di cư tự do ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên lên đến 43.830 hộ, trung bình có khoảng 4.000 - 5.000 hộ, với hàng chục nghìn nhân khẩu di cư mỗi năm. Sau khi có Nghị quyết số 113 của Quốc hội, công tác bố trí, ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2020 chỉ còn 3.293 hộ di cư tự do, trung bình mỗi năm có khoảng 500 hộ di cư, giảm hơn 10 lần so với trước đây. Năm 2019, cả nước chỉ còn 104 hộ di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên.

Riêng huyện Mường Nhé, Điện Biên, điểm nóng từng gây mất an ninh xã hội năm 2011, tình hình dân di cư tự do đã cơ bản chấm dứt, hơn 1.000 hộ di dân tự do đã được bố trí, sắp xếp ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bình thường. Đến nay, Mường Nhé chỉ còn 38 hộ đang sinh sống rải rác trong khu rừng cao su. Điện Biên đang thực hiện phương án giải phòng mặt bằng để bố trí số hộ trên vào điểm dân cư tập trung trong năm 2020.

Ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, sau khi Nghị quyết 113 của Quốc hội được ban hành, tình trạng dân di cư tự do đã cơ bản được giải quyết. Giai đoạn 2015 - 2020 đã có hàng nghìn hộ dân di cư tự do với hàng chục nghìn nhân khẩu được bố trí, sắp xếp ổn định. Chấm dứt tình trạng di cư ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên và không phát sinh các điểm nóng mất trật tự an ninh xã hội như giai đoạn trước đây.

Chính sách đang lạc hậu

Khẳng định giải quyết tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Thường trực Hội đồng Dân tộc đánh giá cao cố gắng của Bộ NN - PTNT, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ này không hề đơn giản, có liên quan trực tiếp tới phát triển KT - XH, an ninh - quốc phòng và tư pháp.

Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 113. Báo cáo của Bộ NN - PTNT cho thấy, Bộ đã xây dựng, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một nghị quyết của Chính phủ, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ ban hành một thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, có độ trễ thời gian trong ban hành chính sách. Minh chứng là tháng 12.2018, Thủ tướng Chính phủ mới chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp ổn định dân di cư tự do, và đến tháng 3.2020, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 22/NQ - CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Mất đến 2 năm để ban hành chính sách là chậm.

Báo cáo của Bộ NN - PTNT cũng cho thấy, kết quả thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định hộ dân di cư tự do vào các điểm dân là 6.566 hộ. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đây là kết quả của giai đoạn trước đây, giai đoạn chuyển tiếp, nhìn tổng thể ở tầm quốc gia chúng ta chưa thực hiện được.

Cho rằng cần làm rõ hơn về nguyên nhân gây ra hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện, ban hành chính sách và nguồn lực thực hiện, các ý kiến trong Thường trực Hội đồng Dân tộc nêu rõ, năm 2018, Chính phủ đồng ý bổ sung từ nguồn ngân sách dự phòng ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2019 - 2020 để hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư cho 3 đối tượng là dân di cư tự do, di cư do thiên tai, di cư biên giới. Nhưng đến năm 2019, mới bố trí 700 tỷ đồng cho ổn định dân di cư là rất thấp.

Qua thực tế giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng thấy rằng, chúng ta cần rà soát, xây dựng lại phương án cho bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư, thay vì kế thừa các nội dung đã cũ, bị lạc hậu rất nhiều. Dự án chúng ta làm cách đây 10 năm, nay vẫn tiếp thực hiện trong khi thực tế đã thay đổi (?). Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, Bộ NN - PTNT cần có số liệu tổng hợp đầy đủ, phân tích rõ những vấn đề thực tại, nhu cầu giải quyết dân di cư tự do ở các vùng, miền trên cả nước, đặc biệt là vùng miền núi, trung du. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, so với yêu cầu Nghị quyết 113 là giải quyết cơ bản tình hình, thì thực tế mới giải quyết được một phần. Rất cần những chính sách cụ thể, đủ mạnh, đủ lực để giải quyết vấn đề này.

Anh Thảo