Bài 1: Bước đột phá
“Chúng tôi rất phấn khởi!”, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Đoàn Văn Bình chia sẻ cảm xúc khi đón nhận Nghị quyết 55. Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, ông Bình tin tưởng Nghị quyết này “chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia”.
Hai quan điểm then chốt
Ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55 - NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55). Nghị quyết có nhiều chính sách đột phá như: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng… Theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để hiện thực hóa Nghị quyết 55, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. |
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và quan trọng, trong đó “có thể tự tin, tự hào khẳng định rằng ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, “đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đồng thời xác nhận đó chính là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 với 5 quan điểm chỉ đạo “rất toàn diện và sâu sắc”, trong đó “2 quan điểm có ý nghĩa then chốt”.
Quan điểm thứ nhất: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Quan điểm thứ hai: Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.
![]() Nghị quyết 55 được kỳ vọng tạo bước đột phá phát triển năng lượng quốc gia |
Nguồn: ITN |
Tạo thống nhất từ nhận thức đến hành động
Làm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học năng lượng, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Đoàn Văn Bình không giấu được niềm vui khi đón nhận Nghị quyết này. “Chúng tôi rất phấn khởi!”, ông nói.
Nghị quyết 55 đặt ra 7 mục tiêu cụ thể. Theo đó, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ KWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045... |
Hiện, mức tiêu thụ điện bình quân ở nước ta vào khoảng 2.200 kWh/người, tương ứng 65% mức bình quân của thế giới (khoảng 3.450 kWh/người). Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế tăng nên nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện. “Mặc dù thời gian qua, ngành năng lượng đạt được những thành tựu rất đáng kể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng đứng trước rất nhiều thách thức. Chẳng hạn, dự báo giai đoạn 2020 - 2024 sẽ thiếu điện trầm trọng do một số nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ. Yêu cầu bức bách cả trong ngắn hạn và dài hạn đòi hỏi nhập khẩu một lượng năng lượng sơ cấp rất lớn, đồng thời buộc chúng ta phải có một chiến lược toàn diện và cụ thể để phát triển ngành năng lượng. Do vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng”, ông Đoàn Văn Bình chỉ rõ.
Điều đáng chú ý được Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng chỉ ra rằng, trong lĩnh vực năng lượng, đây là Nghị quyết đầu tiên vừa mang tính toàn diện, định hướng cho dài hạn vừa đưa ra được các yêu cầu, mục tiêu cụ thể (7 mục tiêu, 10 nhiệm vụ, giải pháp). “Chính điều này giúp tạo sự hiểu biết, nhận thức một cách thống nhất từ các cơ quan lập chính sách đến các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện cũng như người dân. Và như vậy, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá phát triển năng lượng quốc gia”, ông Bình tin tưởng.
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long bổ sung, lần đầu tiên, Nghị quyết 55 đã đưa ra nhiều điểm mới, như áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng… “Với quan điểm chỉ đạo mang tính toàn diện và cụ thể trong Nghị quyết 55, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự phát triển bền vững ngành năng lượng trong thời gian tới”, ông Long nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 55, cần sớm hoàn thiện, đồng bộ hành lang pháp lý, từ các luật liên quan đến các chiến lược phát triển ngành năng lượng cũng như chiến lược phát triển ngành điện, than, dầu khí… Ở cấp địa phương, cần kết hợp phần quy hoạch phát triển điện lực nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 55. “Chỉ khi có sự đồng bộ trong hệ thống hành lang pháp lý mới có cơ sở để thực hiện hiệu quả Nghị quyết này”, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.