Những cảnh báo từ vùng biên
Việt Nam là quốc gia có biên giới rất lớn, tiếp giáp nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Đường biên giới Việt Nam - Lào (2.337,459km); đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc (1.449,566km); đường biên giới Việt Nam và Campuchia (1.137km), chưa kể hệ thống đường biên giới biển.
Đặc điểm chung ở khu khu vực biên giới (KVBG) đất liền của Việt Nam là địa hình đa phần là rừng, núi cao hiểm trở; điều kiện khí hậu phức tạp; giao thông đi lại khó khăn; giao thông kém phát triển, đi lại khó khăn, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ rất kém. Những đặc điểm này khiến Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm an ninh quốc gia hay các nhà khoa học vẫn thường gọi là bảo đảm an ninh truyền thống.

Khẳng định như vậy vì ở giai đoạn lịch sử trước đây, thuật ngữ “an ninh quốc gia” thường chỉ được giới hạn những vấn đề thuộc về an ninh quân sự. Bởi lẽ trong bối cảnh thế giới khi đó, những nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia hầu hết chỉ tập trung vào các hoạt động quân sự để tấn công vào chính quyền nhà nước, vào biên giới lãnh thổ của một quốc gia. Vì vậy, quan niệm về an ninh quốc gia theo cách hiểu này được gọi là an ninh truyền thống.
Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh, do đặc điểm địa hình, khí hậu, điều kiện dân cư, kinh tế - xã hội, văn hóa… nên việc đầu tư kinh phí, phương tiện, cơ sở hạ tầng, trang bị vũ khí, con người… để bảo đảm an ninh truyền thống thời phong kiến và từ sau khi lập nước (2.9.1945) đến nay rất tốn kém. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nước tập trung nguồn lực phục vụ cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc kéo dài tới hơn 10 năm đã khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội và không tập trung được nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội trong nước, đặc biệt là KVBG.
Bước sang thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, những đe dọa về an ninh truyền thống ở KVBG đã giảm xuống nhờ nỗ lực trong ngoại giao, ký kết hiệp định hợp tác phân định cắm mốc biên giới và hợp tác về quốc phòng, an ninh. Theo thống kê, hiện nay chiều dài đường biên giới Việt Nam-Campuchia còn khoảng 14% chưa đạt được những thỏa thuận trong cắm mốc.

Song song với việc bảo đảm an ninh truyền thống ở KVBG, nhiều năm gần đây những mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống (ANPTT) trên thế giới đã lan tới Việt Nam và tác động mạnh nhất là ở KVBG, có nguy cơ đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự toàn vẹn lãnh thổ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dễ tạo ra “ngòi nổ” dẫn đến ảnh hưởng tới bảo đảm an ninh truyền thống.
Năm 1983, Richard H. Ullman, một học giả Hoa Kỳ đã đưa ra quan niệm về an ninh phi truyền thống (non-traditional security). Ông cho rằng, an ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người.
Qua thực tiễn, có thể nhận thấy những yếu tố cơ bản tạo nên mối đe dọa ANPTT cơ bản là: An ninh con người, An ninh kinh tế, An ninh chính trị; An ninh văn hóa, trật tự, an toàn xã hội; An ninh môi trường, năng lượng; An ninh tộc người.
Yêu cầu cấp thiết về “kịch bản” ứng phó đa chiều
Vấn đề ANPTT được Đảng ta nhận thức từ rất sớm và đề cập trong Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17.12.1998, của Bộ Chính trị khóa VIII. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng năm 2021 tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của ANPTT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; Đại hội XIII nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và ANPTT, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”; “Những vấn đề ANPTT ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”.
Từ đó, Đảng đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức ANPTT và ANTT”...; kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề ANPTT, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa[1].

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam cho biết, theo các nhà khoa học trên thế giới, trải qua quá trình phát triển về nhận thức, đến nay quan niệm về ANPTT đã phân nhánh thành hai trường phái rõ rệt.
Trường phái thứ nhất, quan niệm ANPTT là an ninh tổng hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực như quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường... Trường phái này cho rằng an ninh phi truyền thống không đối lập với an ninh truyền thống mà chỉ là sự mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh truyền thống.
Trường phái thứ hai lại quan niệm an ninh phi truyền thống là một lĩnh vực mới, phân biệt với an ninh truyền thống. Theo trường phái này thì an ninh phi truyền thống sẽ không bao hàm lĩnh vực an ninh quân sự. An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt hợp thành an ninh quốc gia nói chung. Đây cũng là quan điểm được Liên Hợp Quốc sử dụng. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta cũng tiếp cận ANPTT theo nội dung này.

Theo đó, ANPTT dùng để chỉ các mối đe dọa, thách thức phi truyền thống đối với an ninh quốc gia (ANQG), dân tộc, cộng đồng và sự ổn định của mỗi con người, có nguồn gốc phi quân sự từ các tác nhân, chủ thể phi nhà nước. ANPTT có thể khiến một quốc gia, thể chế, chế độ lung lay, bất ổn, sụp đổ, tiêu vong mà không cần bất kỳ một hoạt động chiến tranh quân sự nào. Nhiều nội dung của ANPTT còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong khu vực hay trên toàn thế giới, như vấn đề an ninh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm... Các mối đe dọa ANPTT có đặc điểm là bột phát, đột ngột, không rõ ràng, phi chính thức nhưng lại dễ bùng phát và lan tỏa.
Tuy nhiên, dù các quan niệm này còn có sự khác biệt về nhận thức, nhưng về cơ bản đều có những điểm tương đồng là: ANPTT không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái...
Trong bối cảnh chung đó, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng của ANQG hiện nay đang chịu nhiều tác động của vấn đề ANPTT. Đặc biệt là gần đây, nguy cơ bùng phát các mối uy hiếp ANPTT đối với KVBG nước ta đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng vũ trang nói chung và Công an nhân dân nói riêng. Một loạt các mối đe dọa ANPTT như khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, di dân trái phép, buôn bán người, dịch bệnh, an ninh lương thực, các vấn đề môi trường, sinh thái, thảm họa thiên nhiên, gây mất an ninh trật tự... đã tạo thành những yếu tố uy hiếp mang tính mạnh mẽ và trực tiếp, có thể chuyển hoá thành nguy cơ mất ổn định, ảnh hưởng đến độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Do đó, cần phải được nhận thức thấu đáo và có những ”kịch bản” ứng phó hữu hiệu với ANPTT tại KVBG trong mọi giai đoạn, mọi tình huống.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.