Phát triển điện gió ở Quảng Trị

Bài 1: Biến bất lợi thành lợi thế

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 07:25 - Chia sẻ
Việc đầu tư các dự án điện gió ở Quảng Trị phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án đã và đang phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.

Là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt song Quảng Trị lại có tiềm năng rất lớn phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Để biến những bất lợi thành lợi thế, tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các dự án điện gió, góp phần giải bài toán an ninh năng lượng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Động lực phát triển

Là một trong các địa phương có khí hậu và địa hình tốt để phát triển điện gió, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Trị đã xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, 1 trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế, đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. "Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng, tỉnh kỳ vọng sẽ là bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần "thay áo mới" cho nền kinh tế giai đoạn tiếp theo", ông Hưng cho biết.

Với quyết tâm lớn, thời gian qua, tỉnh đã vào cuộc tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án năng lượng, nhất là điện gió. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có các buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh khai thác tối đa tiềm năng của địa phương. "Hiện, tỉnh đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, như: Tập đoàn T&T, Gazprom, Gilex… Các dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Dự kiến, 700 triệu đồng/MW/năm, với 31 dự án có công suất 1.177,2MW, thu ngân sách sẽ tăng thêm hơn 800 tỷ đồng/năm", ông Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế, việc triển khai các dự án điện gió trên địa bàn còn tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với những lợi ích đó, chủ trương phát triển điện gió được phần lớn người dân đồng tình, ủng hộ… Ông Hồ Văn Ka Ra (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa) phấn khởi cho biết: Điện gió về bản, ông đã có một công việc mới là trực tua bin 4 của dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1. Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, lo đủ cho các con, tôi mừng lắm.

Tính đến tháng 8.2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 84 dự án điện gió. Trong đó, 31 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW; 53 dự án tổng công suất 2.853,65MW đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Ngoài 2 dự án đã đi vào vận hành với công suất 60MW, hiện có 29 dự án đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai. Dự kiến, có ít nhất 13 - 18 dự án với công suất 495 - 695MW phấn đấu hoàn thành và sẽ bán điện thương mại kịp thời điểm 31.10.2021.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng kiểm tra tiến độ thi công tại trạm biến áp 220kV Lao Bảo

Giải quyết việc làm cho người dân 

Là địa phương tập trung chủ yếu các dự án điện gió của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: Trung bình một dự án tuyển khoảng 30 - 40 lao động phổ thông tại địa phương. Một số dự án còn tuyển dụng lao động đủ điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho đi học việc tại các dự án điện gió đã đi vào hoạt động. "Đây là cách nhanh nhất giúp người lao động tiếp cận với công việc, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này", ông Thuận chia sẻ.

Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đã cam kết với địa phương tạo hướng mở trong phát triển kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch… Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị Lê Văn Thăng chia sẻ: Chúng tôi đã lên kế hoạch hỗ trợ nhà ở và giếng nước cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hướng Linh. Trong tương lai, sẽ hỗ trợ triển khai các mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng và hướng dẫn người dân kinh doanh homestay.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: Chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết về thời gian bàn giao diện tích đất sử dụng tạm thời và triển khai ngay phương án trồng rừng. Trong đó, ưu tiên những khu vực có diện tích đất trống, đồi trọc, điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, chú trọng trồng các loại cây bản địa có sản phẩm lâm nghiệp để tạo sinh kế bền vững. Đồng thời, giải quyết việc làm, ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương; có kế hoạch hướng nghiệp, đào tạo nghề phù hợp để từng bước chuyển giao kiến thức, kỹ năng, công nghệ, chuẩn bị nhân lực cho quá trình khai thác vận hành, giúp bảo đảm an sinh xã hội tại địa bàn triển khai dự án.

Ngoài ra, quá trình thi công dự án, các chủ đầu tư tự bỏ vốn xây mới, cải tạo, mở rộng một số tuyến đường giao thông trên địa bàn. Khi dự án hoàn thành, những con đường này sẽ được chủ đầu tư giao lại cho địa phương quản lý… "Đây là yếu tố thuận lợi góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất; thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ (có thể triển khai các mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng và các loại hình dịch vụ khác)", ông Hưng nhấn mạnh.

Diệp Anh