Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong độ tuổi vị thành niên

Bài 1: Báo động xu hướng trẻ hóa tội phạm

Tội phạm ngày càng trẻ hóa không còn là câu chuyện riêng của các cơ quan chức năng mà đó là chuyện của mỗi gia đình, xã hội và của chính bản thân thanh thiếu niên. Chỉ vì một phút không làm chủ được bản thân để rồi hậu quả đằng sau mỗi vụ án bao giờ cũng là những giọt nước mắt, những nỗi đau… mà nỗi đau ấy sẽ còn lớn hơn khi thủ phạm chỉ là những cậu bé, cô bé mới chập chững bước vào đời để rồi đánh mất cả tương lai, tuổi trẻ… Thực tế này đòi hỏi cần sớm có các giải pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay.

Công an huyện Tiên Lữ Bắt nhóm đối tượng từ 15 đến 25 tuổi đánh nhau bằng hung khí nguy hiểm. Nguồn: Công an tỉnh Hưng Yên
Công an huyện Tiên Lữ bắt nhóm đối tượng từ 15 đến 25 tuổi đánh nhau bằng hung khí nguy hiểm. Nguồn: Công an tỉnh Hưng Yên

Thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang là vấn đề cần được quan tâm cấp thiết của toàn xã hội; từ thực tế cho thấy, phần lớn các vụ vi phạm pháp luật do thanh thiếu niên thực hiện thường tập trung ở các tội danh: cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng… với hành vi, thủ đoạn ngày càng manh động, liều lĩnh và độ tuổi thực hiện ngày càng trẻ hóa.

Xu hướng gia tăng

Thời gian gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.

Tính từ ngày 15.12.2021 đến ngày 14.12.2022, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 93 vụ, 326 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, khởi tố 53 vụ/154 bị can, xử lý hành chính 28 vụ/110 đối tượng, đang xác minh 9 vụ/59 đối tượng. Tập trung nhiều ở các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Yên Mỹ là các địa có nhiều khu công nghiệp.

Điển hình, vụ hai nhóm thanh niên do Nguyễn Đức M, sinh năm 2003 và Vũ Trường A, sinh năm 2007 cùng ở thôn Hồng Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cầm đầu hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Sau cuộc hỗn chiến bằng dao và vỏ chai bia, kết quả là Vũ Trường A bị nhiều vết chém ở đầu, lưng, phải đưa lên điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (TP. Hà Nội). Hay, vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 14.7.2022, tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) giữa nhóm 4 người do Nguyễn Văn H, sinh năm 2004 ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu cầm đầu và nhóm 7 người do Đặng Huy H, sinh năm 2005 ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu cầm đầu. Sau khi phát sinh mẫu thuẫn đánh nhau, nhóm của Nguyễn Văn H rủ thêm 10 đối tượng đi xe máy, trong đó 1 xe mang theo 1 tuýp sắt, 1 xe mang theo 1 dao phóng lợn, các xe còn lại cầm vỏ chai bia đi tìm nhóm của Đặng Huy H để tiếp tục giải quyết mâu thuẫn. Trên đường đi, một xe mất lái tự đâm vào cửa nhà dân ven đường, hậu quả khiến Phạm Khắc H, sinh năm 2007 (thôn Minh Khai, xã Đại Tập) và Phạm Năng, sinh năm 2006 (thôn Chi Lăng, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu) tử vong.

Tại Thái Nguyên, số liệu từ Công an tỉnh cho thấy, giai đoạn 2021 - 2022, người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh liên quan đến 142 vụ/270 đối tượng (tăng 34 vụ/83 đối tượng so với giai đoạn 2019 - 2020). Đáng chú ý, tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên là trộm cắp tài sản (44 vụ/64 đối tượng) và cố ý gây thương tích (36 vụ/90 đối tượng). Cùng với gia tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên.

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là những "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm để lôi kéo nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng buồn, độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, đây là thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường cũng như với các cơ quan chức năng.

Chưa tròn 16 tuổi nhưng Đặng Văn D. (Sông Công, Thái Nguyên) luôn tỏ ra mình là người lớn. Vậy nên, thay vì dành thời gian để học tập, D. thường xuyên tụ tập bạn bè để uống rượu, hút thuốc, thậm chí là sử dụng chất cấm rồi tham gia đua xe trái phép... Hậu quả là D. bị đưa vào trường giáo dưỡng. Khi được hỏi lý do, D cho biết: “Em muốn khẳng định bản thân mình để gia đình biết em đã lớn, có quyền quyết định mọi việc theo ý thích của em, thay vì phải làm theo những yêu cầu này nọ của bố mẹ và thầy cô”. Hiện tại, D. đang học tập, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Tương tự như D, Nguyễn Hoàng A. (16 tuổi), thường trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên lại cố gắng tạo dựng hình ảnh cho mình thành một “đại ca giống như phiên bản trên mạng”. A. Thường xuyên tụ tập gây rối, đánh nhau và trộm cắp vặt. A. hồn nhiên lý giải, “em học theo những gì đã thấy trên Youtube, Tiktok và mạng xã hội. Trên nhiều trang mạng còn rao bán cả hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ, súng công cụ. Có những tài khoản mạng xã hội hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ nên em và bạn bè tham khảo, bắt chước làm theo”.

Đội trưởng Đội An ninh chính trị, Công an huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), Trung tá Đinh Xuân Hải cho biết, hiện nay công tác quản lý mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, thông tin xấu, độc còn xuất hiện nhiều. Đáng nói, nhiều trang mạng xã hội rao bán công khai hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ (pháo hoa, pháo nổ), súng công cụ, thậm chí có những tài khoản mạng xã hội còn hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, điều chế ma túy, đánh bài bịp… Không ít thanh thiếu niên đã tham khảo thông tin, hướng dẫn từ các trang mạng xã hội này để bắt chước thực hiện.

Hành vi manh động, hành xử liều lĩnh

Chia sẻ với báo chí, Đại úy Nguyễn Xuân Hưng, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hưng Yên) là người trực tiếp tham gia đấu tranh triệt phá nhiều vụ án liên quan đến thanh thiếu niên phạm tội trong thời gian qua đã cho rằng, môi trường xã hội hiện nay có quá nhiều cám dỗ khiến trẻ em dễ sa vào những hành vi vi phạm pháp luật nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước đối với các dịch vụ internet, nhà hàng, quán bar chưa được tốt dẫn đến việc các đối tượng bị ảnh hưởng xấu từ các hoạt động trên.

Song, lo ngại hơn chính là nhận thức của một bộ phận không nhỏ phụ huynh còn rất hạn chế, lệch lạc. Cho rằng, việc của họ chỉ là cho con đến trường, nộp các khoản học phí, mọi việc còn lại giao phó cho các thầy giáo, cô giáo, nhà trường phải có trách nhiệm lo hết. Bà Đỗ Thị Ch. (Hưng Yên) là một điển hình.

Là phụ huynh có con đang ở độ tuổi chưa thành niên vi phạm pháp luật, bà Ch. thản nhiên cho rằng, “do một mình tôi phải bươn chải, vật lộn mưu sinh nên không thể quan tâm con cái mọi lúc, mọi nơi. Tôi cứ nghĩ cho nó đến trường học thì đã có các thầy cô giáo dạy dỗ nó rồi nên cũng không mấy khi tôi quan tâm, hỏi han nó nữa. Nói thật, nó nhiễm thói hư, tật xấu từ các bạn khác từ khi nào bản thân tôi cũng không hay biết nữa”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, … của Bộ luật Hình sự. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Thực tế, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên phạm tội là do lười học tập, lười lao động, lại đua đòi, thích hưởng thụ. Trong số đó, có không ít trường hợp do cha mẹ ly hôn, thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục. Từ đó, các em tụ tập với những đối tượng cùng hoàn cảnh hoặc bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn đến con đường phạm tội; điều đáng quan tâm hiện nay là tình trạng trẻ em bỏ học, bỏ nhà, tụ tập băng nhóm, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng lên.

Theo cô giáo Đào Thị Hải Giang (Trường THCS Tích Lương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), “có rất nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn, những em vi phạm pháp luật ở độ tuổi chưa thành niên đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát, dẫn đến các em mắc sai lầm, rồi trượt dài trên những sai lầm đó”.

Mặt khác, có không ít ý kiến cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nội dung giáo dục vẫn nặng về kiến thức mà chưa thật sự chú trọng vấn đề đạo đức, kỹ năng sống, đặc biệt là giáo dục pháp luật. Những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình éo le, bị bạo lực gia đình nếu không được nhà trường và giáo viên quan tâm đúng mức khiến những đứa trẻ đó bị tách khỏi cộng đồng, dễ có những suy nghĩ tiêu cực và nhận thức không đầy đủ về cuộc sống.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh Trang - Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên cho rằng: dưới góc độ tâm sinh lý, các em đang trong độ tuổi dậy thì và cảm thấy mình đã lớn vì vậy muốn có những hành vi, việc làm để chứng minh vấn đề đó, nhất là khi các em đang sống trong môi trường giữa thế giới ảo và thế giới thật. Nhiều khi chính bản thân các em bị chi phối bởi thế giới ảo nhiều hơn, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… game bạo lực dẫn đến có những hành vi mà không lường trước hậu quả.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ, “thời gian qua, có nhiều vụ án do các đối tượng chưa thành niên gây ra với hành vi rất manh động, nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đáng nói, có nhiều trường hợp thanh thiếu niên không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm và có thể bị pháp luật xử lý”.

Còn gì buồn hơn khi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật lại chính là các em học sinh, với độ tuổi chủ yếu từ 16 đến dưới 18 tuổi. Đa phần là học lực thấp, thậm chí bỏ học đi lang thang, tụ tập chơi bời, mang theo hung khí để thể hiện. Đáng nói, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, các em dễ dàng bị lôi kéo, rủ rê, kích động, dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Pháp luật

Lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm của Bảo hiểm nhân thọ Prudential
Vụ án

Lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm của Bảo hiểm nhân thọ Prudential

Bộ Công an cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét nơi ở đối với Lê Thùy Dung (sinh năm 1985, trú tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng đầu tư vào các sản phẩm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy
Pháp luật

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy

Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy do Bộ Công an tổ chức sáng ngày 18.11, thời gian qua, nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy.

Quang cảnh buổi kiểm tra
Pháp luật

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Bảo đảm chuyên nghiệp và tạo điểm nhấn

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra thực địa và nghe báo cáo công tác chuẩn bị Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã đề nghị các đơn vị quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để Triển lãm diễn ra theo đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
Tin tức

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Ngày 13.11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: từ ngày 3-11.11, Đoàn công tác phụ nữ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã tham gia các hội thảo về vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tại trụ sở Cảnh sát liên bang Úc (AFP).