Chương trình hành động của ứng viên đại biểu dân cử

Bài 1: Bản khế ước, cam kết chính trị trước cử tri

- Thứ Ba, 27/04/2021, 09:28 - Chia sẻ
Chương trình hành động không còn là cụm từ quá mới mẻ đối với các ứng cử viên đại biểu dân cử, cho dù là ứng cử viên lần đầu tham gia. Được ví như bản khế ước, cam kết chính trị, “chìa khóa” để mở cánh cửa đồng thuận của cử tri với ứng cử viên, việc xây dựng và trình bày chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu dân cử ngày càng hoàn thiện và rõ nét hơn.

"Chìa khóa" mở cánh cửa đồng thuận của cử tri

Theo quy định, có hai hình thức ứng cử viên vận động bầu cử hiện nay là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị TXCT ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Dù là hình thức nào đi chăng nữa thì ứng cử viên cũng phải báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Như vậy, chương trình hành động chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa đồng thuận của cử tri với ứng cử viên, là cầu nối đầu tiên trong mối liên hệ giữa đại biểu dân cử (nếu trúng cử) với cử tri sau này.

Đến nay, chưa có một khái niệm cụ thể chương trình hành động là gì. Suy cho cùng, chương trình hành động có phải là kế hoạch không? Đó là trăn trở của không ít ứng cử viên khi được hướng dẫn viết chương trình hành động. Theo Từ điển Tiếng Việt, chương trình hành động được xem là một cụm danh từ, có nghĩa là toàn bộ những dự kiến hoạt động theo một trình tự và trong một thời gian nhất định. Còn theo cách hiểu của quản lý công, chương trình là toàn bộ những việc cần làm đối với một lĩnh vực công tác hoặc tất cả các mặt công tác của một cơ quan, một ngành chủ quản hay của Nhà nước nói chung theo một trình tự và trong thời gian nhất định. Đối với những chương trình quan trọng, cần có sự phê duyệt hoặc ra quyết định ban hành của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đã được phê duyệt hoặc ban hành, các cơ quan, tổ chức liên quan phải tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Tóm lại, chương trình hành động chính là toàn bộ những hoạt động, những việc gắn với các giải pháp thực hiện tương ứng mà ứng cử viên đại biểu dân cử cần làm nếu trúng cử theo một trình tự nhất định trong nhiệm kỳ 5 năm. So với kế hoạch, chương trình hành động thường có những nét khác biệt như: Kế hoạch thường gắn với tập thể, được phê duyệt trước khi thực hiện; kế hoạch có thể bao gồm các chương trình hành động còn chương trình hành động có thể do chủ thể là tập thể hoặc chủ thể là cá nhân (như ứng cử viên đại biểu dân cử), đóng vai trò như tập con của kế hoạch trong một số lĩnh vực, nội dung cụ thể. So với kế hoạch thường gắn với đánh giá việc thực hiện theo mốc cụ thể, có các chỉ tiêu cụ thể thì chương trình hành động “dễ thở” hơn, có đánh giá nhưng dài hơi hơn và không gắn nhiều với xếp loại thi đua.

Như chương trình hành động của ứng viên đại biểu dân cử, việc giám sát thực hiện được giao cho Ủy ban MTTQ cùng cấp, thế nhưng cơ chế giám sát và đánh giá như thế nào đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Nhờ đó mà lời hứa của ứng viên qua chương trình hành động cởi mở hơn, không bị ràng buộc cụ thể rõ ràng về mốc thời gian và gắn với chỉ tiêu hoàn thành như kế hoạch.

Một hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ảnh: Bình Nguyên 

Ngày càng hoàn thiện, rõ nét hơn

Việc vận động bầu cử không phải trong giai đoạn hiện nay mới được đẩy mạnh thực hiện mà được triển khai từ khóa đầu tiên của Quốc hội. Một trong những sắc lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 liên quan đến vận động bầu cử chính là Sắc lệnh số 51-SL về thể lệ Tổng tuyển cử trong cả nước được ban hành ngày 17.10.1945. Theo đó, điều thứ 3 của Sắc lệnh quy định người ứng cử được tự do vận động nhưng cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ Cộng hòa. Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm. Hình thức vận động cũng đã được chỉ rõ là hội họp và thông qua yết thị, truyền đơn, biểu ngữ. Nội dung vận động là diễn thuyết, giới thiệu những người ứng cử thông qua hội họp và phải khai báo cho các UBND địa phương biết trước 24 giờ... Dù chưa đề cập về chương trình hành động nhưng căn cứ theo quy định này thì trong vận động bầu cử, người ứng cử cũng phải nói cho cử tri biết về mình, tuyên truyền để cử tri tin tưởng bỏ phiếu cho mình.

Đến khi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 được ban hành, Điều 30 có quy định về vận động bầu cử. Tuy nhiên, cũng chưa nói rõ về việc xây dựng chương trình hành động của ứng viên mà quy định các chính đảng, các đoàn thể nhân dân cũng như mỗi công dân Việt Nam đều có quyền, trong phạm vi pháp luật, tự do cổ động bằng mít tinh, hội nghị, báo chí và mọi hình thức khác để giới thiệu người ứng cử. Người ứng cử có quyền tự do cổ động cho bản thân mình trong phạm vi pháp luật.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980 cũng chưa đề cập đến Chương trình hành động, tuy nhiên Luật đã ghi nhận vai trò của MTTQ Việt Nam, các chính Đảng, các đoàn thể nhân dân cũng như công dân Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có quyền cổ động bằng mọi hình thức để giới thiệu người ứng cử. Người ứng cử có quyền cổ động cho bản thân mình, theo quy định của pháp luật.

Đến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, lần đầu tiên chương trình hành động được đề cập. Theo đó, người ứng cử có tên trong danh sách ứng cử đã công bố thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội (tương tự như chương trình hành động) và cơ quan MTTQ được chỉ định là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức cho ứng cử viên gặp gỡ, TXCT để vận động bầu cử. Quy định về TXCT vận động bầu cử và báo cáo với cử tri chương trình hành động dần được hoàn thiện và rõ ràng hơn như hiện nay.

Chương trình hành động là kế hoạch mà ứng cử viên đại biểu dân cử cam kết thực hiện nếu trúng cử. Đây cũng là căn cứ để cử tri đánh giá ứng cử viên, từ đó góp phần đưa quyết định ủng hộ ứng cử viên hay không. Thực tiễn hoạt động vận động bầu cử các khóa Quốc hội và HĐND từ khi thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1992 đến nay, việc xây dựng và trình bày chương trình hành động của ứng cử viên ngày càng hoàn thiện và rõ nét hơn.

Theo đó, khi xây dựng chương trình hành động để vận động bầu cử, bên cạnh cam kết sẽ “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”, nhiều ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã dành thời gian tìm hiểu các thông tin về địa phương nơi mình ứng cử, nhất là tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân (nếu có)…; nghiêm túc suy nghĩ về những khả năng, kinh nghiệm công tác của bản thân và việc sử dụng nó trong quá trình hoạt động đại biểu nếu trúng cử… Vì vậy, ngoài đúng quy định của pháp luật, chương trình hành động của nhiều ứng cử viên đã thể hiện được thông điệp chính và các giải pháp đi kèm cũng được xây dựng tỉ mẩn, vừa sức và phù hợp; thể hiện rõ cái “tôi” của đại biểu, là bản chất riêng để cử tri ấn tượng, không có cảm giác chung chung, hòa lẫn với các ứng cử viên khác.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH