HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC TẠI KỲ HỌP THỨ MƯỜI, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Tâm huyết và trách nhiệm

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:42 - Chia sẻ
Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến xây dựng các dự án luật. Bước vào Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến tâm huyết, chất lượng vào chương trình xây dựng pháp luật. Qua đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm, tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân.

Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng

Ngay sau kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng các dự án luật. Xoay quanh dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh đánh giá cao ý nghĩa, tính cần thiết của việc ban hành dự án Luật. Một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc nội dung: “Coi chất thải là tài nguyên” trong dự thảo để tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng nguyên tắc này khi thực hiện thu gom, xử lý chất thải. Nên chăng, cần chỉnh lý, thể hiện rõ hơn nội hàm của việc “coi chất thải là tài nguyên” bằng nguyên tắc “bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải”.

Các đại biểu dự kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Cũng liên quan đến dự án Luật này, một số đại biểu cũng đề nghị, không đưa nội dung quy định về phân công thẩm quyền quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường để bảo đảm sự chủ động công tác trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao của lực lượng cảnh sát môi trường các cấp. Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, so sánh, đối chiếu các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn bảo đảm không để xảy ra việc xung đột với các luật  khác liên quan.

Một nội dung khác cũng được nhiều ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm cho ý kiến là: Quy định về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Theo đó, đại biểu đề nghị, cần rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Riêng nội dung đánh giá tác động môi trường, đa số các đại biểu chọn phương án 2. Bởi vì, phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác.

Liên quan đến dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành. Theo đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các thuật ngữ để người dân dễ hiểu, hiểu đúng và bảo đảm đơn giản, minh bạch trong việc áp dụng luật vào cuộc sống. Về thời gian lập biên bản vi phạm hành chính, một số ý kiến kiến nghị, áp dụng theo hướng tăng thêm. Vì thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính hiện nay là quá ngắn. Bên cạnh đó, cần cân nhắc quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; quy định rõ các đối tượng thuộc diện được giảm một phần tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt...

Bổ sung, hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, với tinh thần trách nhiệm cao, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng đến nghị trường. Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết “về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến đồng tình với sự cần thiết, tên gọi, bố cục của dự thảo Nghị quyết này. Đại biểu cũng đề nghị, về phạm vi điều chỉnh cần bổ sung nội dung về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc và trách nhiệm quản lý Nhà nước về lực lượng tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc.

Đối với nội dung xây dựng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 7 cần bổ sung cụm từ “căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh” vào trước quy định của Khoản 2. Cụ thể: “Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định tổ chức, biên chế và tiêu chuẩn lực lượng thuộc quyền tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc”.

Cũng theo đại biểu, để bảo đảm địa vị pháp lý của lực lượng tham gia giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, cần bổ sung các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia. Đồng thời, xem xét quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nên bổ sung quy định về khen thưởng đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc có thành tích trong công tác, thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo chế độ chung của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các quy định pháp luật hiện hành khác. “Riêng về quy định xử lý do vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý kỷ luật có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến nêu quan điểm.

Đối với vấn đề chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng: Đối tượng điều chỉnh tại Điều 2 và Điều 5 là vấn đề mới, sau Kỳ họp thứ Chín đã được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động thấu đáo. Đại biểu băn khoăn: Dự thảo quy định không tăng bộ máy, song nếu trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thêm nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thực hiện thỏa thuận quốc tế thì liệu có đảm đương được không? Bài toán đặt ra ở đây là vấn đề con người, về nhân sự. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động ở cả đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp mới bảo đảm mục tiêu trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.

TRỌNG HIẾU