Phát triển văn hóa đọc

Bài 1: Sách giấy vẫn được ưa chuộng

- Thứ Tư, 19/04/2017, 08:24 - Chia sẻ
Với không ít người, đọc sách không chỉ là tiếp nhận thông tin, tri thức, mà còn là một cách để hưởng thụ. Sách điện tử tuy có nhiều tiện ích nhưng thật khó đáp ứng tiêu chí ấy. Chính vì vậy, sách in vẫn giữ vị trí quan trọng bởi những giá trị khác biệt.

Giá trị khác biệt

Chỉ cần một vài thao tác trên thiết bị thông minh, người đọc không mấy khó khăn để nắm bắt thông tin cũng như tìm hiểu nội dung một cuốn sách. Chưa kể, qua internet, độc giả chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ để được sở hữu lượng lớn thông tin cũng như xem hình ảnh không giới hạn. Hình thức đọc này vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian nên đang trở thành xu hướng phổ biến, bởi mỗi thiết bị như một thư viện di động, dễ tìm kiếm, tra cứu. Tuy nhiên, với nhiều người, đọc sách không chỉ là cách tiếp nhận thông tin, tri thức mà còn là hưởng thụ, và sách điện tử thật khó đáp ứng tiêu chí ấy, nhất là đối với người trung niên hay cao tuổi. Bác Nguyễn Sinh Tuấn, 80 tuổi, ở Kim Liên, Hà Nội cho biết: “Cũng là độc giả của sách điện tử nhưng tôi thấy đọc sách in vẫn có giá trị khác biệt, nhất là về chất lượng thông tin. Hơn nữa, chỉ sách in mới giúp người đọc có thể gậm nhấm, nhâm nhi từng câu văn, từng ý tứ mà tác giả gửi gắm”.


Độc giả vẫn còn yêu mến sách giấy

 Tính từ Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất (21.4.2014), đến nay tuy mới 4 năm, nhưng văn hóa đọc đã có chuyển biến đáng kể. Nhận thức về vai trò của sách trong thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những hoạt động thiết thực, truyền cảm hứng đọc đến đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi. 

Nhiều lần tham dự các hội sách, anh Nguyễn Tuấn Dương, NXB Trẻ nhận xét: “Các NXB và công ty phát hành sách ngày càng nắm bắt được thị hiếu của độc giả. Lượng người tới các hội sách rất đông, cho thấy độc giả vẫn rất quan tâm và yêu thích sách giấy, bởi tâm lý muốn cầm trực tiếp và cảm nhận từng câu, từng chữ trong cuốn sách. Qua đó thấy rằng, văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực, người đọc sách ngày càng tăng lên. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc của Việt Nam nói chung và các NXB, đơn vị phát hành sách nói riêng”.

Các NXB và đơn vị làm sách đã nắm bắt được thị hiếu của độc giả, cho ra đời những đầu sách đa dạng, từ truyện ngắn, truyện tranh, lịch sử, khoa học, sách hướng dẫn kỹ năng sống, sách hỗ trợ học tập… phục vụ cho mọi lứa tuổi và nhu cầu của độc giả. Ngoài sách trong nước còn phổ biến sách ngoại văn, dịch thuật. “Đặc biệt, lượng độc giả quan tâm đến sách ngoại văn khá đông, bởi nhu cầu tìm tòi, khám phá thông tin kiến thức rộng lớn từ thế giới xung quanh của người Việt Nam ngày càng tăng. Điều đó càng thêm khẳng định sách in vẫn chiếm vị trí quan trọng trong lòng độc giả” - bà Nguyễn Diệu Thúy, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Xunhasaba cho biết.

Hoạt động thường xuyên

Nhìn từ các hội sách có thể đánh giá được phần nào văn hóa đọc hiện nay. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh, các đơn vị xuất bản tham gia hội sách cũng không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chủ yếu với tinh thần cống hiến, góp phần nhắc nhở mọi người về ý thức đọc và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của sách, từ đó kích thích văn hóa đọc trong đời sống văn hóa nói chung.

Tuy nhiên, để đưa văn hóa đọc trở thành hoạt động thường xuyên còn có nhiều cách thức khác, như sự ra đời các câu lạc bộ sách, cộng đồng giao lưu đọc sách đã và đang đạt được hiệu quả nhất định. Các hoạt động này nhận được sự hào hứng tham gia của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn nhỏ. Điều này rất có lợi, bởi khi tiếp cận với sách từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển niềm yêu thích đọc về lâu dài. Như CLB Đọc sách cùng con ngay từ ngày đầu mở ra đã có khoảng 200 gia đình đăng ký tham gia và đến nay đã tạo được một cộng đồng đọc sách rộng lớn. TS. Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con cho rằng: Nhìn chung ở tầm quốc gia và TP Hà Nội, có thể thấy rõ những động thái cổ vũ cho văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc của trẻ. Từ đây, các phong trào đọc sách ngày một phát triển, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào hoạt động ý nghĩa này.

Có thể nói, sự tham gia tích cực của các NXB, đơn vị làm sách, nhiều tổ chức, cá nhân… đã bắc nhịp cầu đưa sách đến với rộng rãi công chúng, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận, trao đổi và vun đắp tình yêu với sách.

 Theo thống kê năm 2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 64.588 tên xuất bản phẩm. Trong đó có 1.893 tên xuất bản phẩm điện tử; xuất bản phẩm nộp lưu chiểu dưới dạng in là 32.126 cuốn (tăng 10,3%), xuất bản dưới dạng điện tử: 679 xuất bản phẩm (giảm 42%), xuất bản phẩm dưới dạng băng đĩa, bản đồ, ảnh lịch sử các loại là 2.153 xuất bản phẩm (tăng 71,5%). 

An Yên