Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Bài 1: Cơ hội lớn để “chuyển mình”

- Thứ Tư, 13/11/2019, 07:57 - Chia sẻ
Từ giữa năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu; chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới. Trong bối cảnh đó, tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún của sản xuất trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Song, theo các chuyên gia, đây là cơ hội lớn để nông sản Việt “chuyển mình”, nâng cao sức cạnh tranh.

Kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 4% trong 9 tháng

 “Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính”, “đã hết thời chúng ta một mình một chợ, trồng gì bán nấy” là nhận định của đại diện nhà quản lý, chuyên gia về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản sang chính ngạch của Trung Quốc thời gian qua. Mặc dù điều này mang lại nhiều thách thức cho nông sản Việt Nam, hệ quả nhãn tiền là kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, song các chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tìm giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường vốn rất nhiều tiềm năng này.

Tại tọa đàm Xúc tiến nhập khẩu thực phẩm, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc do Bộ NN - PTNT phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thanh Nam xác nhận, hiện Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Với mặt hàng nông lâm thủy sản, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 27% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này. Tuy vậy, tính đến hết tháng 9.2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,94 tỷ USD, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng giảm mạnh là xuất khẩu gạo (đạt 192,9 triệu USD, giảm 66,8%), rau quả (giảm 14,4%), cà phê (giảm 12,2%)…

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên bổ sung, tính chung trong 9 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 2,82 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù xuất khẩu rau, quả sang các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng rất mạnh nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, xuất khẩu rau, quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,91 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.

Lý giải điều này, ông Nguyên cho rằng do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau, quả nhập khẩu, đồng thời siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch. Chẳng hạn, Trung Quốc yêu cầu phải đăng ký mã số vùng trồng, muốn vậy ít nhất phải bảo đảm từ 6 - 10ha trở lên trong khi trước đây, nông dân chỉ trồng 1 - 2ha. Thêm vào đó, Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm phải có chứng chỉ VietGAP; có cơ sở đóng gói bảo đảm vệ sinh an toàn, có máy móc thiết bị. Thực tế, do doanh nghiệp chưa thích ứng kịp để đáp ứng yêu cầu khiến kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công thương phối hợp Bộ NN - PTNT tổ chức cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 1.6.2019, Trung Quốc chuyển hình thức thương mại tổng hợp sang nhất thể khiến hàng hóa của Việt Nam không còn dễ dàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc thay đổi cơ quan quản lý, từ Tổng cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, bảo vệ thực vật, kiểm dịch... dồn vào Tổng cục Hải quan. Đồng thời, Trung Quốc tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp làm giảm tỷ trọng nhập khẩu một số mặt hàng như gạo. Chính những điều này cũng tác động không nhỏ tới việc xuất khẩu nông thủy sản của nước ta vào Trung Quốc sụt giảm.

Vải thiều là 1 trong 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc Nguồn: ITN

 Theo Tổng cục Hải quan, tính chung trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) của cả nước đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam với 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 842 triệu USD, tăng 4%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 832 triệu USD, tăng 14,2%… so với cùng kỳ năm trước.

Xu thế tất yếu

Cùng với việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, nhất là diễn biến khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, giới phân tích nhìn nhận, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn tỏ ý lạc quan cho rằng cơ hội vẫn là chủ đạo.

PGS. TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương phân tích, trước đây, mặc dù chúng ta xuất khẩu lượng lớn nông sản sang Trung Quốc song mang tính tùy tiện, chủ yếu là tiểu ngạch. “Có lẽ không quốc gia nào lại xuất khẩu thịt lợn sống sang nhau, trên dọc đường có dịch vụ tắm lợn xuất khẩu. Đó là điều rất lạc hậu, chỉ phù hợp thời kỳ mới mở cửa biên giới. Do tình trạng này kéo dài khiến sản xuất và kinh doanh của chúng ta bất ổn, phải “giải cứu” nông sản. Bây giờ, Chính phủ hai nước đã tích cực đàm phán với nhau để đưa hàng Việt Nam vào con đường xuất khẩu chính ngạch. Đây mới là con đường lâu dài và cần thiết, phù hợp xu thế của thế giới”, ông Thắng chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh sản xuất trong nước vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể thích ứng ngay các yêu cầu của thị trường rộng lớn với khoảng 1,4 tỷ dân này, ban đầu sẽ khiến xuất khẩu nông sản của nước ta sụt giảm. Nhưng sau đó, “chúng ta buộc phải thay đổi cách làm ăn sẽ là chiều hướng tốt cho cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng khi bảo đảm hàng hóa không tồn dư hóa chất, truy xuất nguồn gốc, đóng gói chuẩn mực. Đây mới là cách để tăng trưởng bền vững”, ông Thắng tin tưởng.

Thừa nhận thị trường Trung Quốc bây giờ “không còn dễ tính”, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, từ trước đến nay, doanh nghiệp nước ta làm ăn với Trung Quốc chủ yếu ở các tỉnh giáp biên giới như Vân Nam, Quảng Tây qua lối mở và tiểu ngạch. Nếu đi sâu vào nội địa Trung Quốc, nhắm đến Thượng Hải, Thâm Quyến chẳng hạn thì phải xuất khẩu chính ngạch mới có thị trường ổn định. Khi đó đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không khác gì xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ hay Liên minh châu Âu. “Trung Quốc mới chỉ đưa ra những yêu cầu căn bản về hàng hóa, như chỉ định rõ doanh nghiệp sản xuất, địa điểm sản xuất, cơ sở đóng gói... Đây là những bước đầu tiên, doanh nghiệp nước ta phải làm được để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này”, ông Sơn nói.

Như vậy, có thể thấy việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu sang chính ngạch đối với mặt hàng nông sản dù tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nông sản Việt Nam, song về lâu dài, đây lại là cơ hội lớn để nông sản Việt “chuyển mình”, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe, qua đó cũng rộng cửa ra thế giới.

Đan Thanh