Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới

Bài 1: “Chưa bao giờ y tế cơ sở được đầu tư nhiều như thế!”

- Thứ Hai, 29/03/2021, 19:11 - Chia sẻ
Vừa nói, chị Lê Thị Hoài Minh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa chỉ tay về phía đặt máy điện tim mới chuyển về chưa đầy nửa năm, cạnh đó là chiếc máy siêu âm đã thực hiện hơn 300 ca chẩn đoán hình ảnh cho người dân trong xã suốt hơn 2 năm qua. Qua 25 năm công tác, chị Minh cười bảo: “Chẳng thể ngờ cũng có ngày trạm y tế xã trông hiện đại như bây giờ!”.

“Có máy nhàn hơn nhiều”

Ngày 5.12.2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (gọi tắt là Đề án 2348), trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn… Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song vẫn thiếu tính bền vững.

hìn dãy nhà cấp 4 với 9 phòng lợp mái tôn khang trang, tường rào kiên cố bao quanh, khó ai có thể hình dung cách đây chừng 5 năm về trước, Trạm y tế xã Chiềng Chăn trong tình trạng “thiếu đủ bề”. Không sân gạch. Không tường rào. Không nước sinh hoạt. “Trạm y tế xã khi đó chỉ là dãy nhà 5 gian lợp tấm tôn fibro xi măng, tường vôi bong tróc, ẩm mốc. Trời nắng thì không sao nhưng khi trời mưa rào nước ngấm qua trần nhỏ xuống, anh chị em phải lấy chậu ra hứng để nền nhà đỡ trơn trượt. Dụng cụ khám chữa bệnh cũng nghèo nàn, hầu như chẳng có gì ngoài tủ thuốc đơn sơ. Vậy nên có những ca bệnh mình hoàn toàn chẩn đoán, điều trị được cho người dân nhưng vì “đụng đâu thiếu đó” đành bất lực”, chị Minh nhớ lại.

Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi khi năm 2017, Trạm Y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, được xây thêm 4 phòng khám chữa bệnh và tường rào bao quanh. Giếng khoan cũng đã được lắp đặt, chấm dứt chuỗi ngày đằng đẵng anh chị em thay nhau vào nhà dân xin nước về dùng. Máy đo đường huyết, máy điện châm cứu, tủ sấy, bình đựng vaccine mới, máy siêu âm đen trắng, máy điện tim lần lượt được chuyển về, phục vụ đắc lực việc thăm khám bệnh cho người dân. Chị Minh hào hứng kể: “Trước đây, khi khám cho sản phụ, chúng tôi làm theo kinh nghiệm là khám bằng tay, đo chiều cao vòng bụng, qua đó xác định tuổi của thai nhi, dự kiến sinh... Giờ có máy siêu âm nhàn hơn nhiều, không phải làm thủ công nữa, đặc biệt là xác định được cả trường hợp quá sinh rất thuận lợi”.

Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mỗi năm, chị Minh cùng các đồng nghiệp được cử đi đào tạo, tập huấn định kỳ các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường), sản, sốt rét; tập huấn về HIV, tiêm chủng để cấp chứng chỉ mới... “Trước đó dù nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ trạm y tế xã miền núi khu vực II lại có ngày hiện đại như bây giờ”, Trạm trưởng trạm Y tế xã Chiềng Chăn nói.

Hẳn nhiên đây không phải là chuyện riêng của Chiềng Chăn, bởi chị Minh hiểu rằng có được sự đổi thay này một phần rất lớn từ việc cụ thể hóa Đề án 2348 của Thủ tướng, trong đó chỉ rõ đến năm 2020 “hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn”.

Riêng tại tỉnh Sơn La, trong báo cáo giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (giai đoạn 2017 - 2019) trên địa bàn theo Đề án 2348 cho thấy: Hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị được quan tâm, với 60 dự án (trong đó hoàn thành việc đầu tư xây dựng được 40 trạm y tế) với tổng giá trị hơn 230 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư đã cải thiện đáng kể cơ sở vật chất hệ thống y tế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống này. Về nhân lực của các trạm y tế cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cũng trong giai đoạn này có hơn 12.000 lượt công chức, viên chức y tế được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Trạm y tế xã Chiềng Chăn (huyện Mai Sơn, Sơn La) được đầu tư khang trang nhờ thực hiện Đề án 2348
Ảnh: Hoài Minh

Mong được quan tâm thực chất

Tuy vậy, trên thực tế, đầu tư cho y tế cơ sở cũng có nhiều bất cập. Chỉ vào chiếc máy điện tim mới chuyển về đang “đắp chiếu”, chị Lê Thị Hoài Minh lý giải “vì chúng tôi chưa được tập huấn cách sử dụng”. Thực tế, ngay khi chuyển máy về trong năm ngoái, chị Minh đã được thông báo đi tập huấn chừng 3 tháng. Vậy nhưng nhớ lại lần đi tập huấn cách sử dụng máy siêu âm đen trắng tận 3 tháng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với chi phí 10,5 triệu đồng/người, chưa kể tiền ăn, nghỉ tự mình phải bỏ tiền túi ra và không được hỗ trợ đồng nào, lần này chị Minh lưỡng lự không muốn đi, đồng thời xác nhận nhiều đồng nghiệp trong huyện có chung tâm lý như vậy.

Bên cạnh đó, mặc dù Trạm y tế xã Chiềng Chăn đã tăng lên 4 phòng với các phòng chức năng tương đối tách biệt, nhất là có riêng phòng sản và phòng khám phụ khoa song hiện vẫn chưa đạt chuẩn theo yêu cầu. “Đáng ra phòng sản phải vô khuẩn; phòng khám phụ khoa phải có nước vệ sinh ở trong, có gạch ốp trên tường, đá nền đúng kích cỡ thì hiện chưa đạt”, chị Minh nói.

Chị Trần Mai Nhung, Trưởng trạm Y tế xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La bổ sung, mỗi năm, trạm được cấp 27 triệu đồng để chi tiêu thường xuyên (mua văn phòng phẩm, tiền điện, cước điện thoại, công tác phí…) nhưng thường trong cảnh “giật gấu vá vai”, nhiều khi anh chị em phải tự bỏ tiền túi ra. Vậy nên chiếc máy siêu âm đen trắng bị hỏng, nằm im lìm một góc nhiều tháng nay trạm y tế không có tiền để sửa “dù rất sốt ruột”, bởi với xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này có máy sẽ giúp công việc của cán bộ y tế trạm hiệu quả hơn rất nhiều.

Thêm nữa, địa bàn Tà Hộc trải rộng, bản xa nhất cách trung tâm xã chừng 30km, đường đất dốc và qua nhiều vực, trong khi trạm có 4/5 cán bộ nữ. Chị Nhung cho hay, trước đây còn chế độ phụ cấp cho y tế thôn bản, công việc của trạm cũng nhàn hơn chút vì đã có những “cánh tay nối dài” này. Nhưng khi Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực, đội ngũ này không còn phụ cấp nên họ bỏ. “Vì thế, mỗi khi có việc phải đi vào bản như tiêm chủng hoặc lúc trời mưa, nhất là các bản xa, chúng tôi phải thuê người chở và không có khoản trợ cấp nào thêm”. Chưa kể từ đầu năm nay, do tác động của dịch Covid-19, anh chị em trong trạm phải tự bỏ tiền túi ra mua các dụng cụ phục vụ chống dịch như khẩu trang y tế, găng tay, máy đo thân nhiệt…

Cả chị Minh, chị Nhung đều thừa nhận công tác đầu tư trong chừng 3 - 5 năm trở lại đây đã giúp y tế cơ sở, đặc biệt ở miền núi có sự thay đổi nhanh chóng, khang trang, hiện đại hơn. Tuy vậy, các chị ao ước giá như sớm có kinh phí để sửa chữa máy móc và hỗ trợ cán bộ trạm y tế đi tập huấn cách sử dụng máy thì mọi việc sẽ tốt hơn.

Đan Thanh - Võ Nam