Quyết sách của Hội đồng nhân dân

Bài 1: Vì nhu cầu bức thiết của cuộc sống, của nhân dân

- Thứ Sáu, 04/03/2022, 06:26 - Chia sẻ
Kỳ họp được xem là hoạt động chủ yếu, quan trọng của cơ quan dân cử và sản phẩm cuối cùng của kỳ họp chính là việc HĐND ban hành các nghị quyết. Trước đây, việc ban hành các quyết sách thường hay bị gò bó theo khuôn khổ chương trình, kế hoạch ban hành văn bản (đối với cấp tỉnh thường là chương trình, kế hoạch ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật), xây dựng theo kiểu vừa thiết kế vừa thi công thì nay, hầu hết quyết sách được hình thành từ chính nhu cầu bức thiết của cuộc sống, của nhân dân, trải qua trình tự chặt chẽ, bài bản.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống và nhân dân

Quyết sách là một danh từ dùng để chỉ các chính sách, biện pháp mang tính chất quyết định. Quyết sách của HĐND là việc HĐND ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống và nhân dân. Trong đó, phải kể đến việc quyết định các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn; thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

Đại biểu biểu quyết bằng máy tính bảng tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX
Ảnh: Thanh Phúc

Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện nghị quyết. Nghị quyết của HĐND có thể phân thành nhiều loại. Nếu theo tiêu chí nội dung có thể kể đến: Nghị quyết chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; nghị quyết chuyên đề và nghị quyết cá biệt. Nếu theo thể thức thì nghị quyết của HĐND có các loại như: Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và nghị quyết không phải là văn bản QPPL. Văn bản hợp nhất số 23 của Văn phòng Quốc hội ngày 15.7.2020 đối với Luật Ban hành văn bản QPPL cũng quy định khá rõ về văn bản QPPL, trong đó có nghị quyết của HĐND, nhằm phân biệt với nghị quyết không phải là văn bản QPPL.

Chặt chẽ các bước trong quy trình

Nghị quyết của HĐND các cấp (chủ yếu) do UBND cùng cấp tổ chức phân công soạn thảo và trình HĐND. Ở từng cấp tỉnh, huyện, xã thì yêu cầu về trình tự, thủ tục có khác nhau. Tuy nhiên, những trình tự, thủ tục cơ bản phải bảo đảm ở cả 3 cấp đó là: Trình tự các bước chủ yếu từ soạn thảo nghị quyết, lấy ý kiến đối với dự thảo, thẩm định, thẩm tra và cuối cùng là xem xét, thông qua. Riêng ở cấp tỉnh, có thêm bước đầu đối với nghị quyết là văn bản QPPL, là UBND, các Ban của HĐND cấp tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp căn cứ văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu HĐND, có trách nhiệm đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét đề nghị xây dựng nghị quyết; nếu chấp thuận thì phân công cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết và quyết định thời hạn trình HĐND cấp tỉnh dự thảo nghị quyết; cơ quan, tổ chức trình phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo dự thảo nghị quyết.

Việc soạn thảo nghị quyết của HĐND phải nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng những vấn đề về căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp cả về nội dung, thẩm quyền, hình thức, thể thức; xem xét tính thực tiễn, hiệu quả, tính sáng tạo và các điều kiện bảo đảm để thực thi. Thường trực HĐND, UBND phân công việc soạn thảo, khi cần thiết có thể thành lập tổ chức chủ trì soạn thảo. Quá trình xây dựng nghị quyết phải bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng phản biện xã hội. Đồng thời, bảo đảm tính chủ động của HĐND trong việc xây dựng và ban hành nghị quyết, thể hiện ở việc các quyết sách phải có trong đề nghị xây dựng nghị quyết (cấp tỉnh); đăng ký của UBND, các ngành về các chuyên đề trước khi HĐND ban hành kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ hàng năm, trong kế hoạch tổ chức các kỳ họp… Nếu quá trình xây dựng, ban hành chưa bảo đảm thì từ kết quả thẩm tra của các Ban HĐND, HĐND có quyền chưa xem xét thông qua.

Việc lấy ý kiến, thẩm định đối với dự thảo nghị quyết QPPL của HĐND là thủ tục cần thiết, có tính bắt buộc. Cơ quan Tư pháp các cấp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND. Quy định về thẩm định dự thảo nghị quyết QPPL của cơ quan tư pháp huyện, xã là quy định mới của Luật Ban hành văn bản QPPL so với trước đây. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết bằng hình thức thích hợp; các ý kiến phải được xem xét, tiếp thu nghiêm túc trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.

Dự thảo nghị quyết của HĐND phải được Ban của HĐND thẩm tra trước khi trình HĐND thông qua. Báo cáo thẩm tra của Ban cần đánh giá tính phù hợp của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Kết quả thẩm tra của Ban HĐND đối với các quyết sách là một trong những cẩm nang pháp lý cần thiết để đại biểu HĐND nghiên cứu, HĐND xem xét thông qua nghị quyết. Thực tế thời gian qua, Thường trực, các Ban HĐND nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, vào cuộc sớm hơn và phối hợp chặt chẽ hơn trong các bước quy trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết; đồng thời, thể hiện thái độ dứt khoát, kiên quyết hơn với những nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm để nâng cao chất lượng các quyết sách.

BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN