Phát huy dân chủ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Bài 1:  Mục tiêu và động lực phát triển

- Thứ Ba, 06/07/2021, 06:34 - Chia sẻ

Với những thuộc tính căn bản và quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội chủ nghĩa hoàn toàn tương dung với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tương dung đó được quy định từ trong chính bản chất và mục tiêu tối cao, thống nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đều phục vụ vô điều kiện Nhân dân lao động. Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển đều xoay quanh Nhân dân lao động. Đó chính là mục tiêu đồng thời là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài “Phát huy dân chủ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Quan hệ giữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện, giữa cái bất biến và cái khả biến trong tổng thể sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Không có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể có chủ nghĩa xã hội, càng không thể có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách đúng đắn - với tư cách là một trong những phương tiện quan trọng, một động lực to lớn và mạnh mẽ - để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.  

Sự thống nhất hữu cơ giữa mục tiêu và phương tiện

Sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là thước đo sự trưởng thành của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà biểu hiện cao nhất và tập trung nhất là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước thay mặt Nhân dân giữ quyền quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa - với tư cách chỉ là phương tiện - nhằm phục vụ Nhân dân thì sự tương dung đó càng trở nên chặt chẽ, càng bảo đảm sự thống nhất hữu cơ giữa mục tiêu và phương tiện trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nhà nước càng trở nên chủ động hơn trong việc thực thi chức năng và nhiệm vụ quản lý nền kinh tế, xã hội đất nước; và đến lượt nó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng thể hiện công năng, sức mạnh đúng hướng, tập trung, hiệu quả. Qua đó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa càng được bảo đảm phát triển vững chắc và hoàn thiện không ngừng.  

Có thể nói rằng, quan hệ giữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện, giữa cái bất biến và cái khả biến trong tổng thể sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Không có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể có chủ nghĩa xã hội, càng không thể có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách đúng đắn - với tư cách là một trong những phương tiện quan trọng, một động lực to lớn và mạnh mẽ - để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.  

Hơn bao giờ hết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với tất cả sự mới mẻ, phức tạp của nó đã và đang đặt ra cho chúng ta không ít vấn đề, đòi hỏi một cách nhìn đúng đắn, một con đường phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở xác lập những điều kiện cần và đủ bảo đảm thực thi thành công tiến trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa - mục tiêu, động lực phát triển của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Ưu thế và thách thức của kinh tế thị trường với dân chủ xã hội chủ nghĩa

Kinh tế thị trường tồn tại một cách khách quan và tất yếu, với sự đầy đủ và phức tạp những thuộc tính hai mặt thuận và nghịch. Chỉ có một cái không tất yếu là, không phải dưới bất cứ thể chế chính trị - xã hội nào, nó cũng phát huy tác dụng hoặc gây tác hại như nhau một cách khách quan. Trong rất nhiều nhân tố thuận và nghịch của nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nổi bật mấy vấn đề sau:

Một là, vận hành một cách khách quan theo quy luật giá trị, quy luật cung - cầu... và các quy luật kinh tế khác một cách hết sức năng động;

Hai là, chi phối hoạt động của bất cứ thể chế chính trị - xã hội nào (trên phạm vi quốc gia, dân tộc, thậm chí toàn cầu...) mà nó có liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách tự nhiên và nhất loạt...;

Ba là, tạo ra sự phân hóa một cách tất nhiên và nhanh chóng về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái: bất bình đẳng và bình đẳng, giàu và nghèo, phát đạt và phá sản; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tài nguyên...;  

Bốn là, hiệu ứng kinh tế và xã hội do nó tạo ra một cách tức thì, với quy mô rộng, tốc độ nhanh và khôn lường...;   

Năm là, nó là động lực (hoặc phản động lực) hết sức to lớn và mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng, của nhân loại nói chung;

Dù muốn hay không, trong xu thế toàn cầu hóa, trước hết về kinh tế, với quy mô ngày càng rộng lớn, tốc độ ngày càng mạnh mẽ và mức độ ngày càng sâu sắc như một cơn lốc, là quy luật khách quan, không gì ngăn nổi và không ai cưỡng được. Và, dù muốn hay không, các nước dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều hoặc là bị "cơn lốc" đó cuốn hút vào hoặc là chủ động tham gia vào "cơn lốc" đó và hứng chịu những hậu quả hoặc kết quả rất khác nhau, tùy thuộc vào thái độ và nỗ lực của mỗi nước. 

Có thể nói, đó là một kịch tính mang tầm vóc và ý nghĩa toàn cầu. Nhưng, xét trên nhiều bình diện, toàn cầu hóa không chỉ là một quá trình kinh tế hay công nghệ đơn thuần, ở bề nổi của các quá trình này, mà nhìn ở tầng sâu hơn, đây thực chất là một cuộc xâm nhập, đấu tranh giữa các nước với nhau hết sức đa diện, cả về kinh tế - chính trị, kinh tế - xã hội lẫn văn hóa - tư tưởng rất gay gắt, thậm chí khốc liệt, với các thời cơ bứt phá và nguy cơ thành bại luôn biến động, chuyển hóa khôn lường.

Xử lý vấn đề này, Đảng ta nhận thức rõ: Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh; và từ đó đã quyết định: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đó là một quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược. Một mặt hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan và xu thế thời đại; mặt khác, nhạy cảm đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của đất nước trên con đường phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay. Và, đó không chỉ là nhận thức, là nguyên tắc, là phương châm chỉ đạo mà còn là quyết tâm, là con đường, là sự hoạch định đúng đắn, mạch lạc bước đi chiến lược sách lược bảo đảm tiến trình chủ động xây dựng và phát triển kinh tế thị trường phát triển đúng hướng, mạnh mẽvững chắc

Điều đó càng cho thấy, việc phát huy tác dụng những mặt thuận và hạn chế, khắc phục những mặt nghịch của nền kinh tế thị trường đến đâu, một phần cơ bản và quyết định phụ thuộc vào năng lực chủ quan và phương lược hành xử của các thể chế chính trị - xã hội, các quốc gia, dân tộc... đối với nó. Và chúng ta không phải là ngoại lệ.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay, vai trò, sự ảnh hưởng và hiệu ứng của nó càng nhanh, mạnh và sâu sắc. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta không nằm ngoài những cơ hội và những thách thức đó trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với xung lực là kinh tế tri thức, vì sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đúng đắn và vì sự phát triển của chính nó góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản