Bạch Đằng hải khẩu (Phần cuối)
Truyện ngắn của Uông Triều
>> Bạch Đằng hải khẩu (Phần 1)

Mặt sông thoáng chốc mờ đi, một làn sương khói bao phủ. Những mây hồng, mây tía thi nhau sà xuống mặt sông. Người ngồi mũi thuyền mắt lạnh sắc. Đôi môi nàng cắn lại, đôi mắt nàng bừng lửa như sắp xông vào chiến trận. Con thuyền tròng trành cuốn vào chỗ nước xoáy. Tôi đưa tay vịn chặt mép thuyền cho khỏi ngã.
- Quân giặc thế nào.
- Thuyền lớn xô nhau.
- Quân tứ bề vây chặt?
- Giặc rơi vào bẫy, bãi cọc trồi lên ta đánh úp.
- Lửa thiêu bốn phía?
- Cỏ gianh khô bắt lửa, cháy bùng bùng, thiêu đốt.
- Mặt sông Đằng?
- Cọc lim nhô nhọn hoắt, tàu thuyền xô đắm gẫy.
Một quầng lửa nổi trên phía bờ sông, đám trẻ em đang đốt một đống cỏ khô lớn. Mùi khói hăng hắc bay ra từ những xóm chài đang thui thuyền bên đảo Hà Nam. Mùi nhựa đường, cỏ khô trộn vào nhau khôn tả. Trước mặt tôi tượng Vua Bà hiện ra uy nghi màu khói.
- Ngươi đã bao giờ tham dự một cuộc chiến?
- Chưa hề.
- Ngươi chỉ tưởng tượng ra thôi.
- Tôi ngửi thấy mùi khói, mùi tanh của cá, mùi nồng của nước sông. Tôi nghe thấy tiếng vọng trong lòng đất.
- Ngươi thấy gì ở sông Đằng?
- Mỗi khi thuyền đi qua, lòng người bứt dứt không chịu nổi, chỉ muốn đưa tay vục lấy một thứ gì đó.
- Một thứ gì đó?
- Một thứ mơ hồ không thể hình dung được. Những người vĩnh viễn ở dưới đáy sông.
- Anh có muốn xuống ngôi miếu ở đằng kia, cô gái lái đò hỏi.
- Tôi muốn vào bến Rừng cổ, thắp nén hương cho vị thần chủ.
Thuyền đỗ xuống một quãng vắng, hai bên bờ sú vẹt mọc um tùm. Trên bờ kia là miếu Vua Bà, một cảnh quan bề thế mới xây dựng, chính giữa bãi phù sa cổ là đền thờ Hưng Đạo Vương, phía bờ sông là miếu Vua Bà. Vài lô cốt đen lố nhố, người Pháp đã từng mưu chẹn con đường thủy tuyến Bạch Đằng năm xưa. Khách bước vào miếu Vua Bà.
- Ngươi là ai mà nhìn ta chăm chú.
- Tôi là khách qua đây, lòng bứt rứt không yên.
- Ngươi có điều băn khoăn?
- Tôi đã được nghe kể về người con gái bán hàng nước năm xưa bên bến Bạch Đằng, người mách con nước lên xuống, luồng lạch nông sâu cho Hưng Đạo Vương, nhưng lòng còn hơi chút mơ hồ.
- Ngươi gọi là con gái ư, hơn bảy trăm năm năm rồi.
- Đối với tôi nàng không có tuổi, nàng sống và chết vào ngày ấy, mãi mãi là vậy. Tôi nhìn thấy mặt người phảng phất đâu đây. Nàng vừa đưa tôi qua sông.
- Mắt ngươi nhìn rõ?
- Cũng có lúc sương khói bao phủ nhưng những điều nhìn rõ thì không thể nói dối được.
Trước mắt tôi, nàng từ từ bước lên bờ. Bóng áo trắng khi nãy giờ nhìn đã rõ. Thiếu nữ mới mười bảy tuổi. Nàng bình thản, ung dung. Người con gái tháo guốc, sửa lại tóc, đi thẳng vào đền. Đôi chân nàng thoăn thoắt, gót màu hồng, có lẽ nàng không phải là một thôn nữ quanh năm giẫm chân xuống bùn chua mặn. Nàng đang hướng tới chỗ người ngồi trên điện thờ.
- Ngươi có tin những chuyện trong dân gian?
- Có một điều tôi còn thắc mắc.
- Còn ngại ngần gì nữa.
- Người con gái hàng nước dưới gốc Quếch này, nàng tên gì và khi Hưng Đạo Vương quay lại, vương đã không tìm thấy nàng?
- Câu chuyện dân gian, không ai biết sự thực là thế nào.
- Nàng biết điều đó ư?
- Ngươi hãy nhắm mắt lại.
Người con gái bước vào đền, nàng đưa tay chấp lễ. Gót chân hồng hơi kiễng, cắm nén hương vào chính giữa, đôi mắt nhỏ, lông mày thanh, khuôn mặt bầu bĩnh như một em bé.
- Anh nhìn ngắm ta ư?
- Không phải, tôi đang nhìn hồn cốt ở trong đó?
- Ngươi hoài nghi?
- Lịch sử có những tồn nghi, tôi tin vào cảm xúc và lý trí của mình.
- Về điều gì?
- Buổi chiều hôm ấy, tôi đã đọc được tên nàng, nàng không vô danh, nàng tên là Yếm.
- Thật chăng?
- Có những điều không thể giải thích, chỉ cảm nhận thôi.
- Anh là nhà văn?
- Tôi là anh giáo trường huyện.
Nàng không nói nữa, nàng bước lên đài sen. Những vầng khói nghi ngút tỏa ra bốn phía, mùi hương trầm bốc lên sực nức, du khách kính cẩn chắp tay lễ bái. Đôi mắt tôi không chớp, nàng bước lên đài sen, nhập mình vào tượng đồng uy nghi.
- Xin nàng hãy dừng bước, còn một điều nữa nàng chưa làm xong.
- Còn điều gì nữa?
- Tôi muốn nghe đoạn cuối của câu chuyện. Khi Hưng Đạo Vương đến tìm, nàng không còn ở đấy, nàng đã đi đâu, không ai biết thêm điều gì nữa…
- Ngươi tin vào điều ấy?
- Tôi tin vào lịch sử và cảm xúc. Tôi có niềm tin riêng của mình.
- Vậy theo ngươi, nàng đã đi đâu?
- Tôi có suy nghĩ của tôi, nàng cũng vậy. Tôi sẽ kể theo ý của tôi, nàng hãy kể theo ý của nàng.
- Anh bắt đầu trước đi.
1.
Khi Hưng Đạo Vương quay lại chỗ cô hàng nước bên bến sông. Hàng nước hoang vắng, cây Quếch cổ thụ còn đấy nhưng quán nhỏ tịnh không một bóng người. Trong chớp mắt đã không nhìn thấy cô hàng nước, ngài khum tay gọi lớn:
- Ơi cô hàng nước?
Không có tiếng trả lời, không ai biết nàng đi đâu.
- Quán cũ xiêu gầy, cô gái bán hàng nước đã lâu, hẳn có người phải để ý chứ.
Có người bảo.
- Người bán hàng nước ở đấy, người ta quen gọi là cô gái thôn Đoài nhưng không ai biết nàng con nhà ai, đến từ nơi nào.
- Người con gái không hề tầm thường, chỉ một chớp mắt nàng đã đi đâu? Buổi đầu trận chiến có người còn nhìn thấy nàng.
- Thưa, có một sự lạ.
- Nói ngay.
- Phía sau gốc Quếch mối đùn lên cao, đống mối còn mới.
Vương đứng trước đụn mối đùn cao, vết đất còn mới, vẩy đất đỏ phập phồng hơi nóng, giọt nước mắt mặn nhỏ xuống, đất sủi như vôi tôi.
Có phải đây là người con gái hàng nước ta chưa kịp tỏ lời tri ân.
Có phải nàng đang ở dưới đó, lặng thầm không nói một lời...
Người con gái bến sông Bạch Đằng.
Tiếng người con gái như gió bên tai. Giọng của nàng thanh nhẹ, thanh âm sắc và rõ. Áo trắng của nàng hơi bay lên, gió từ sông Đằng thổi tạt một khoảng nhẹ. Nàng nhỏ nhẹ.
- Đấy là câu chuyện dân gian anh đã từng nghe. Anh có tin vào điều ấy không?
- Hơn bảy trăm năm rồi, còn chứng tích gì nữa. Tôi tin vào cảm xúc của mình.
2.
Tôi không phải người con gái vô danh như mọi người tưởng. Yếm là tên anh đặt cho tôi. Điều ấy có thể đúng. Tôi bán hàng nước trên bến sông đã suốt mấy thu, ai cũng gọi là cô hàng nước bến Bạch Đằng.
Những buổi chiều đỏ ối.
Cha mẹ, người thân rụng rời vì vó ngựa quân chinh phạt. Cô gái như không đứng lên được nữa. Nỗi đau nhỏ nước mắt làm cho nước sông Đằng thêm khó uống. Hẳn có ngày quân giặc qua đây, chờ ngày thác nợ với cha mẹ.
Mờ sáng ngày mùng tám tháng ba năm Mậu Tý (1288) đoàn quân viễn chinh đi vào sông Bạch Đằng. Xin làm một lễ gọi là ngày tống tiễn, ngày giỗ mẹ cha sao cho chu tất.
Những thuyền giặc đỏ cháy.
Tiếng binh sĩ kêu vang.
Bến sông yên bình, một hàng nước.
Cô hàng nước đã không còn ở chỗ đó, nàng đã thu xếp chuẩn bị một tay hợp chiến.
- Ta đã thấy ngươi ở đây. Đừng chạy.
Một tên tướng Nguyên kịp xô lên bờ, hắn chặn lối đi của nàng. Hình dung hắn to lớn, khiếp sợ.
- Ngươi đằng hòng thoát.
Hắn đưa gươm trỏ vào tim nàng.
Nàng không trả lời, nàng không chạy. Đôi mắt nàng nhìn về phía sông Đằng. Bình thản.
- Ta là hộ vệ của tướng Phạm Nhan, ngài hối tiếc đã nói cho ngươi điều cơ mật.
Nàng cười.
Đôi mắt nàng mãn nguyện, lưỡi gươm giặc đã ở rất gần, kề ngay sát tim nàng. Nàng cất tiếng, giọng êm như nước sông Đằng ngày yên gió lặng.
- Ngươi hãy ra tay đi.
Nàng khoan thai đi đến mép sông, nhìn về phía bờ xa, một chốc nữa tất cả binh thuyền viễn chinh sẽ cháy hết, những tên tháo chạy lên bờ cũng sẽ bị bắt. Nàng mỉm cười, ngạo nghễ, mãn nguyện. Ánh trời sáng rực, nước sông Đằng sẽ tắm mát cho nàng, máu nàng sẽ hòa với máu sông Đằng. Hưng Đạo Vương sẽ có ngày quay lại, ngài sẽ biết tên nàng.
Lưỡi gươm thấu từ đằng sau, xuyên qua tim nàng.
Nước sông Đằng đỏ lừ.
Những hàng cây, bờ quán xa dần, nàng không thấy gì nữa, chỉ có nước sông một màu rực rỡ đang tuôn chảy về Đông. Nơi đó là biển rộng.
Tôi lặng người, cảm giác như một lưỡi dao đang xuyên qua ngực, khó thở. Bóng áo trắng chập chờn ẩn hiện trước mặt, một màn sương khói không thấy rõ chân tơ kẽ tóc.
- Nàng vẫn còn ở đây?
- Hơn bảy trăm năm rồi, ta vẫn ở đây nhìn ra bến sông Đằng, chỉ có lòng người đôi chút hồ nghi.
Tôi cung kính thắp ba nén nhang cắm lên ban thờ. Người ngồi đó uy nghi, ánh mắt bình thản. Phật bà bình yên nhìn du khách đương thành tâm lễ bái. Tôi mở quyển sử địa phương, trang viết về miếu Vua Bà:
Sau khi trừ được giặc Nguyên, giết được Phạm Nhan, quay về khúc sông cũ, thấy bà hàng nước đã qua đời, Trần Hưng Đạo đã cho lập miếu thờ bà ngay trên nền quán hàng cũ, xin vua Trần truy phong là “Thiên Hương Ngọc Trinh công chúa”. Từ đó về sau nhân dân trong vùng thường đến cầu phúc, cầu lộc ứng nghiệm vô cùng. Già trẻ ai nấy đều tôn gọi bà là Vua Bà. Miếu ấy vẫn còn, gọi là miếu Vua Bà.
|