Bác Tôn ở chiến khu Việt Bắc (1)

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 19/08/2018 07:27

Với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng ngời ngời, Bác Tôn (20.8.1888 - 30.3.1980) đã được giao giữ nhiều trọng trách của đất nước: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945); Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 5 đến tháng 11.1947); Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1946 - 1948); Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8.1947); Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1948 - 1955); Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) (1955 - 1960); Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1960 - 1969); Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969 - 1976); Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976 - 1980); và ĐBQH liên tục từ Khóa I đến Khóa VI.

Từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng mời Bác ra Bắc làm việc (1946), Bác Hồ và Bác Tôn luôn luôn sát cánh bên nhau trong mọi giai đoạn cách mạng, trong mọi công việc của quốc gia, là hình ảnh đẹp đẽ, sâu đậm của tình đoàn kết Bắc - Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1948 - 1954, Bác Tôn - Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã tổ chức cho Ban Thường trực Quốc hội (BTTQH) và toàn thể Quốc hội hoạt động bằng nhiều hình thức sinh động, linh hoạt, đem lại hiệu quả thiết thực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tháng 7.1960 Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tháng 7.1960 Ảnh: Tư liệu

Những hoạt động đặc sắc

Thưa cụ Chủ tịch,

Nhân ngày kỷ niệm sinh nhật 60 tuổi của Chủ tịch hôm nay, chúng tôi thay mặt Quốc hội và toàn thể nhân dân trân trọng dâng lên Chủ tịch lời chúc thọ.

Trước giai đoạn tổng phản công này, chúng tôi mong Chủ tịch được luôn mạnh giỏi để lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân tộc mau đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Xin Chủ tịch chấp nhận lời thành thực và lòng tin tưởng của chúng tôi.

TM. Ban Thường trực Quốc hội

Tôn Đức Thắng

(Thư của Bác Tôn gửi Hồ Chủ tịch đúng ngày 19.5.1950(3)).

Tháng 2.1950, Bác Tôn chủ trì họp BTTQH để kiện toàn tổ chức Ban, bầu bổ sung 3 Ủy viên dự khuyết làm Ủy viên chính thức. Đó là bà Nguyễn Thị Thục Viên, các ông Lê Tư Lành và Trần Tấn Thọ thay cho các ông Nguyễn Văn Luyện đã hy sinh, Hoàng Minh Châu từ trần và Cung Đình Quỳ đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. BTTQH đã bầu ra một Ban thường vụ mới gồm các vị: Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Tôn Quang Phiệt, Phạm Bá Trực, Dương Đức Hiền và Trần Huy Liệu thay mặt BTTQH để liên lạc với Chính phủ và giải quyết công việc hằng ngày. BTTQH cũng đã quyết định vấn đề dự thảo Bộ luật về dân chủ Vệt Nam; phương thức hoạt động của Ban, cách thức liên lạc với các ĐBQH trong toàn quốc; và bãi bỏ quyền bất khả xâm phạm của những ĐBQH rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến.

Trên cơ sở Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 9.11.1946 và những tiến triển của cuộc kháng chiến, BTTQH đã nghiên cứu và thỏa thuận để Chính phủ ban hành khoảng 400 Sắc lệnh và nhiều Nghị định, Thông tư để điều hành kháng chiến. Ban cũng đã góp ý kiến với Chính phủ về các nghị quyết, chính sách lớn như thuế nông nghiệp; phát động quần chúng giảm tô, giảm tức, chính sách đất đai... Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Bác Tôn, BTTQH đã nghiên cứu dự thảo một số luật và dự kiến tu chỉnh Hiến pháp. Theo đó, ngày 18.6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 72/SL lập ra Hội đồng tu luật gồm đại diện BTTQH, đại biểu của Chính phủ, đại biểu đoàn thể nhân dân. Từ năm 1950, Hội đồng tu luật được đặt dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Ban thường vụ thuộc BTTQH. Trong Hội nghị tháng 2.1951, BTTQH tiếp tục đặt vấn đề nghiên cứu tu chỉnh Hiến pháp, xây dựng một bản dự thảo để khi có điều kiện thì đệ trình Quốc hội...

Để nắm được tình hình kháng chiến trong cả nước, BTTQH đã cùng Hội đồng Chính phủ làm việc với một số địa phương phía Nam: Tháng 9.1949 làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ do ông Lê Đình Thám dẫn đầu; tháng 10.1949 làm việc với Đoàn đại biểu Nam Bộ (gồm các Ủy viên kháng chiến hành chính, các Ủy viên quân sự và đại biểu các đoàn thể quần chúng) do ông Phạm Hùng dẫn đầu. Các Đoàn đã báo cáo tình hình kháng chiến của nhân dân địa phương, đặc biệt là ở Nam Bộ - “Thành đồng Tổ quốc”... Những năm 1950 - 1951, BTTQH cùng Hội đồng Chính phủ đã tổ chức nhiều phái đoàn về các địa phương phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách như phát triển thủy nông, chuyển hướng canh tác, sản xuất đi đôi với tiết kiệm... Năm 1951, theo sự phân công của Trưởng ban, đại diện cho BTTQH ông Trần Huy Liệu tham gia Đoàn đi Liên khu Việt Bắc; ông Tôn Quang Phiệt tham gia Đoàn đi Liên khu III và Liên khu IV nhằm giải thích các chính sách mới, trong đó có chính sách thuế nông nghiệp theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 1.5.1951...

Sau các chiến thắng Biên giới, Tây Bắc... theo chỉ đạo của Quyền Trưởng ban, BTTQH đã cử các phái đoàn đi khen thưởng các đơn vị đã lập chiến công và úy lạo đồng bào vùng mới được giải phóng. Đồng thời Ban đề nghị Hội đồng Chính phủ xét công trạng để khen thưởng các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lập chiến công xuất sắc. Do đó, tại phiên họp giữa tháng 11.1950, Hội đồng Chính phủ đã quyết định tuyên dương khen ngợi quân đội và nhân dân đã hăng hái chiến đấu, giết giặc lập công. Đặc biệt là cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân trong chiến dịch giải phóng biên giới...

Tháng 11.1953, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất. Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó, BTTQH đã quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I tại chiến khu Việt Bắc, từ ngày 1 đến ngày 4.12.1953. BTTQH đã chuẩn bị chu đáo các dự thảo văn kiện để báo cáo trước Quốc hội; chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất trong khả năng có thể để kỳ họp diễn ra tốt đẹp. Trong điều kiện chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, các ĐBQH (nhất là các đại biểu Liên khu 5, Nam Bộ) phải vượt qua muôn vàn gian khổ mới về tới địa điểm kỳ họp (thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương). Tổng số đại biểu có mặt là 166, trong đó Bắc Bộ có 94 đại biểu, Trung bộ có 62 đại biểu và Nam Bộ 10 đại biểu. Những ngày diễn ra kỳ họp, các ĐBQH đã tích cực tham gia vào các dự thảo văn kiện, dự thảo các nghị quyết. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, Quyền Trưởng ban BTTQH Tôn Đức Thắng đã chỉ rõ: Quốc hội họp trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, “thế ta mạnh hơn thế giặc”, ta đang tiến tới một giai đoạn mới, đòi hỏi nhân dân phải có một nỗ lực phi thường. Do đó, Chính phủ đã đề ra dự án Luật Cải cách ruộng đất. Đó là một quyết sách để bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi, là một nhiệm vụ căn bản của cách mạng dân tộc dân chủ của chúng ta. Với tầm quan trọng đó, quyết sách này phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao thay mặt toàn dân thông qua(2). Sau khi nghe Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày báo cáo của Chính phủ về thành tích kháng chiến và trình Quốc hội dự thảo Luật Cải cách ruộng đất, đã có gần 20 tham luận thảo luận về dự án Luật này. Ngày 4.12.1953, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Cải cách ruộng đất; thông qua Nghị quyết tín nhiệm Chính phủ, Nghị quyết biểu dương các ĐBQH đã hy sinh vì Tổ quốc, Nghị quyết truất quyền ĐBQH của những đại biểu rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến.

Kỳ họp thứ 3 cũng là kỳ họp duy nhất của Quốc hội Khóa I trong những năm BTTQH do Bác Tôn là người đứng đầu hoạt động ở chiến khu Việt Bắc...

Chuyện cảm động về Bác Tôn ở chiến khu

Những ai đã tham quan Nhà trưng bày ở thôn Chi Liền và Bảo tàng Tân Trào - ATK đều có cảm nhận khá thú vị. Theo giới thiệu của Giám đốc Bảo tàng, giữa năm 1952, BTTQH rời huyện Chiêm Hóa về “đóng quân” và hoạt động tại thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, BTTQH ở và làm việc trong 5 ngôi nhà, trong đó có một hội trường 5 gian. Nhà làm việc của Quyền Trưởng ban Tôn Đức Thắng là nhà sàn 2 gian, gian ngoài là nơi làm việc, gian trong là nơi nghỉ ngơi của Bác Tôn (nay đã được phục dựng nguyên trạng) và 3 nhà vừa ở vừa làm việc của cán bộ, nhân viên. Một số hiện vật được Bác Tôn sử dụng và bảo quản cho tới khi bàn giao cho địa phương để về Hà Nội vẫn còn được lưu giữ cho đến nay tại nhà trưng bày thôn Chi Liền. Các hiện vật bao gồm một bộ bàn ăn của toàn Ban; chiếc siêu bằng đồng để đun nước uống; chiếc hòm gỗ để đựng tài liệu mà Bác Tôn đã sử dụng nhiều năm; những chiếc đinh hình con đỉa căng dài để ghép những mảnh ván lại với nhau làm hầm trú ẩn; tấm chăn và chiếc áo của Bác Tôn; trên tường có nhiều bức ảnh đen trắng chụp hình Bác Hồ và Bác Tôn ở nhiều thời điểm; mỗi thứ là một câu chuyện cụ thể:

Đồng chí cần vụ của Bác Tôn tên là Thạch Văn Khì. Thời gian đó anh Khì cưới vợ nhưng chẳng có quần áo mới, cũng chẳng có mùng màn, chăn gối gì. Trong “tuần trăng mật”, thời tiết đêm đông rất giá lạnh. Thấy hoàn cảnh như vậy, Bác Tôn suy nghĩ chớp nhoáng và quyết định ngay. Bác rọc chiếc chăn chiên mỏng duy nhất của mình làm hai mảnh và tặng đôi vợ chồng trẻ mảnh rộng hơn. Khi được nhận tấm chăn vô cùng quý báu, vợ chồng anh Khì đã quá xúc động, lặng người đi... không ai nói nên lời.

Vào một buổi tối, ở hội trường trụ sở BTTQH có biểu diễn văn nghệ kháng chiến, ông Ma Văn Chấn, một người dân sở tại hân hoan bế con đến xem. Đêm đó trời vẫn rất lạnh. Gia cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, cháu bé ông Chấn đang bế chỉ mặc chiếc áo mỏng, không được lành lặn, cháu vẫn co ro trên đôi tay ông. Bỗng dưng có một cụ già gần kề cởi chiếc áo của mình và choàng cho cháu bé. Ông Chấn rất ngạc nhiên và lúng túng... Kết thúc buổi văn nghệ, ai nấy gọi nhau í ới ra về; ông Chấn níu tay cụ già để gửi lại chiếc áo, nhưng cụ ôn tồn bảo: Anh cứ để choàng cho cháu kẻo ra đường cháu bị lạnh... Ông Chấn vô cùng cảm động và biết ơn cụ... Mãi sau này ông mới biết cụ già đức độ, kính mến đó chính là Bác Tôn...

Với người dân, với cán bộ các cấp cùng làm việc, Bác Tôn đã yêu thương, quý trọng như anh em một nhà, còn đối với lãnh đạo thì Bác Tôn hết lòng tôn kính.

Năm 1950 cũng là một năm khá đặc biệt của đất nước. Từ những chiếc gậy tầm vông của quân dân Nam Bộ ngày đầu kháng chiến, cuộc kháng chiến đã đi đến những trận chiến vĩ đại như Sông Lô, Hói Mít, La Ngà rồi đến các chiến dịch Cầu Kè, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Hồng Phong... Từ đây thế giới ngày càng hiểu biết Việt Nam. Một loạt các nước dân chủ nhân dân như Trung Hoa, Liên Xô, các nước Trung và Đông Âu, Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ Đức... đã lần lượt công nhận Chính phủ kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Tôn tuyên bố, những thắng lợi to lớn về ngoại giao lại đúng vào năm Hồ Chủ tịch tròn 60 tuổi. Dù đang khi chiến tranh ác liệt, lại phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho giai đoạn tổng phản công, nhưng phải nhớ, phải kỷ niệm sinh nhật Cụ Hồ.

Lễ kỷ niệm đã diễn ra trọng thể. Thấm đẫm lòng tôn kính Hồ Chủ tịch, với tít đề “Đời tranh đấu của Hồ Chủ tịch” diễn văn nhấn mạnh: “Năm nay ngày lễ có cái quan trọng đặc biệt, một là vì năm nay là lễ lục tuần của Cụ, mà theo tục ta, thì lục tuần là cái tuổi mà người ta bắt đầu chúc thọ, cho rằng người sống 60 năm mà vẫn được mạnh giỏi là một cái phúc nhà.

Vậy nay Hồ Chủ tịch đến 60 tuổi, mà như phần nhiều chúng ta đã biết, Cụ rất mạnh khỏe, mạnh khỏe hơn lúc ở Thủ đô... Đó là một cái phúc cho quốc gia, cho dân tộc mà ta hãy ghi lấy.

Lẽ thứ hai nữa là sau mấy mươi năm lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam, Cụ đã hy sinh tận tụy với nước, với dân, cho Cách mạng được thành công, chính quyền nhân dân được thành lập... Nhân ngày lễ này mà nhắc đến đời tranh đấu của Cụ để ai nấy thêm vui lòng tin tưởng mà tiến bước trên con đường cách mạng mà Cụ đã vạch ra, và Cụ đang cầm đuốc sáng đi trước, đó là bổn phận của mỗi người Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Muốn nói lịch sử tranh đấu của Hồ Chủ tịch một cách đơn giản mà chỉ một câu là đủ, câu ấy chính cụ đã nói ra khi mới về Thủ đô(4), giả lời cho một nhà báo đến phỏng vấn: “Tôi sinh ra ở nước Việt Nam nô lệ, tôi không muốn làm nô lệ nên đi làm cách mạng...”(5).

Chỉ vài mẩu chuyện ở chiến khu trong cuộc chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng đủ cho người đời hiểu rằng, tầm suy nghĩ bao la, tình cảm rộng lớn mênh mông của Bác Tôn dành cho từ người dân lam lũ nơi rừng núi xa xôi cho đến những công việc lớn lao, cao cả của quốc gia đại sự, cho tới tầm khái quát công lao trời biển của một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc như Bác Hồ. Và cũng từ những chuyện rất đỗi đời thường, ăn mặc, ngủ nghỉ, sinh hoạt của người dân nơi “đóng quân”... cho đến những sự nghiệp vĩ đại về đời hoạt động cách mạng của một vĩ nhân... đều trong tầm suy nghĩ và hành động của Bác. Bác Tôn thật vô cùng vĩ đại và đáng kính!

______

(1) Nguồn:  Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I (1946 - 1960).
(2) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, trang 134.
(3) Như (1), trang 293.
(4) Từ Việt Bắc về Thủ đô sau Cách mạng tháng Tám 1945.
(5) Như (10 và (3), trang 294, 295.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bác Tôn ở chiến khu Việt Bắc <sup>(1)</sup>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO