Bác sĩ khuyến cáo tình trạng suy gan, suy thận nguy hiểm vì ngộ độc nấm

Thời điểm mùa xuân là thời gian ở miền Bắc, miền Trung mưa ẩm trở lại, các loài nấm mọc lên, trong đó có nhiều nấm độc. Vì vậy, người dân không hái các nấm mọc hoang dại về ăn nhằm tránh các biến chứng xấu với sức khỏe.

Da vàng như nghệ, buồn nôn, đi ngoài chục lần sau khi ăn nấm lạ

Điển hình, trường hợp bệnh nhân nam (37 tuổi, Tuyên Quang), có thói quen hái các loại nấm về ăn khi đi phát cây rừng. Sau khi ăn loại nấm mọc dưới đất, hình dáng giống chiếc ô, cao khoảng 15-20 cm, chân nấm to bằng ngón tay, màu trắng, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.

Khai thác thông tin, trước khi vào viện khoảng 9 ngày, bệnh nhân cùng 3 người khác đi phát cây ở trong rừng, thấy nấm nên hái về nấu canh, súp ăn. Sau khoảng 8-9 giờ đồng hồ (8h tối đến khoảng 4-5h sáng hôm sau), bệnh nhân cùng 2 người khác xuất hiện triệu chứng đau bụng, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần.

714f90b3-5257-4d59-ae70-027cc720aae6-mceu-40087928711742006804839.jpg
Bệnh nhân bị vàng da sau khi ăn loại nấm tự hái trên rừng (Ảnh: BVCC)

Tất cả 3 người này được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị. Trong đó, 2 người có tình trạng bệnh nhẹ hơn đã ổn định và được xuất viện. Riêng 1 bệnh nhân xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, mệt nhiều nên được chuyển đến Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.

Tại đây, bệnh nhân tỉnh, nói lẫn lộn, có dấu hiệu của tình trạng tiền hôn mê gan, da và củng mạc mắt vàng, ăn uống kém, xét nghiệm có tình trạng gan bị tổn thương rất nặng, suy gan nặng, suy thận.

Sau khi được điều trị cấp cứu, hồi sức, lọc máu, thay huyết tương, dùng thuốc giải độc, bệnh nhân tỉnh trở lại. Hiện, người bệnh vẫn ăn uống kém, chán ăn và trong khoảng 9 ngày đã sút tầm 4-5kg

3129995c-4452-49e9-9e08-49d2c2cc090d-mceu-28894338321742006852916.jpg
Bác sĩ thăm khám và điều trị cho người bệnh (Ảnh: BVCC)

Thêm trường hợp nữ bệnh nhân (57 tuổi, Bắc Kạn), ngày 11.3 có vào rừng hái được một nắm nấm màu trắng, hình dáng giống chiếc ô, dài như ngón tay, đầu nấm hơi tròn mang về nấu canh ăn một mình. Sau khi ăn khoảng 13 giờ đồng hồ, người bệnh xuất hiện tình trạng nôn kèm đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần.

Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương để điều trị. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán: Ngộ độc nấm. Chỉ định truyền dịch sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, vẫn có các triệu chứng buồn nôn, đau bụng quanh rốn, đại tiện phân lỏng 8-10 lần. Xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân bị: Viêm gan rất nặng, suy gan cấp phải điều trị cấp cứu bằng thuốc giải độc và thay huyết tương.

Cẩn trọng trước các loại nấm để tránh ngộ độc

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kết quả kiểm tra, xét nghiệm máu của các bệnh nhân cho thấy nhiều chỉ số bất thường, cao vượt ngưỡng, gấp nhiều lần người bình thường. Hiện, các bệnh nhân có tình trạng bị suy gan, suy thận, phải lọc máu hỗ trợ gan và dùng các thuốc giải độc.

Trước đó, ngày 6.3, Trung tâm Chống độc, cũng tiếp nhận cặp vợ chồng ở Thanh Hoá bị ngộ độc do ăn nấm tự hái trên rừng. Tuy nhiên, 2 bệnh nhân này đã không thể qua khỏi do suy đa tạng nặng.

c2709346-a547-4511-89c9-45067da07c00-mceu-94345111331742006883553.jpg
Hình ảnh nấm được bệnh nhân hái về ăn ( Ảnh: BVCC)

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các loại nấm tự nhiên đều khó có thể nhận dạng bằng mắt thường có độc hay không có độc, trừ mộc nhĩ. Người dân không thể tự nhận biết được, thậm chí đến chuyên gia cũng có thể nhầm bởi có hàng nghìn loại nấm, số nấm độc không quá nhiều nhưng rất dễ nhầm lẫn. Đơn cử, một số nấm trông rất đẹp mắt nhưng lại chứa chất độc như amatoxin khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong khi ăn phải những loại nấm này.

Trong đó, mỗi một loại nấm độc khi ăn phải có những dấu hiệu riêng. Các loại nấm độc hiện nay xếp làm 2 nhóm, nhóm các nấm gây ngộ độc sớm và nhóm các nấm gây độc muộn.

Với nhóm các nấm gây ngộ độc sớm, các biểu hiện ngộ độc xuất hiện sớm trong vòng 6 giờ sau khi ăn, hình thức các nấm trông ít bắt mắt, ít hấp dẫn, thậm chí trông có màu sắc rực rỡ, gây các triệu chứng nôn, đau bụng, ỉa chảy, thường có các triệu chứng thần kinh, tâm thần, có thể có triệu chứng tim mạch. Tuy nhiên, với nhóm các nấm gây ngộ độc sớm thì miễn là người dân tới cơ sở y tế cấp cứu kịp thời thì hầu hết sẽ không tử vong.

Còn nhóm các nấm gây ngộ độc muộn, các loài nấm này lại màu trắng, sạch sẽ, trông rất ngon, là các nấm độc tán trắng (Amanita verna) hoặc nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa). Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau ăn quá 6 giờ, với biểu hiện qua 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn 1 là đau bụng, nôn, tiêu chảy rất nhiều xuất hiện muộn, kéo dài khoảng 1 ngày; giai đoạn 2 là yên lặng với đau bụng, nôn, tiêu chảy đỡ, có thể hết trong 1 ngày; giai đoạn 3 là viêm gan suy gan, suy thận, tổn thương/suy đa cơ quan và tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc nấm, Trung tâm Chống độc khuyến cáo, thời điểm mùa xuân là thời gian ở miền Bắc, miền Trung mưa ẩm trở lại, các loài nấm mọc lên. Trong đó có nhiều nấm độc, vì vậy người dân không hái các nấm mọc hoang dại về ăn. Đồng thời, các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ về các thông tin an toàn trên với người dân để tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc.

Sức khỏe

Amway Việt Nam là doanh nghiệp FDI xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động
Sức khỏe

Amway Việt Nam là doanh nghiệp FDI xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động

Thương hiệu hàng đầu về chăm sóc sức khỏe, vinh dự được trao tặng giải thưởng Rồng Vàng 2025, hạng mục “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động”. Đây cũng là lần thứ 9 Amway Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng uy tín này, khẳng định vị thế tiên phong và những đóng góp tích cực của công ty trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt.

Đề xuất lộ trình cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam
Sức khỏe

Đề xuất lộ trình cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam

Sáng 23.4, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tổ chức Tập huấn với chủ đề "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường” nhằm thông tin thêm về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm thuốc lá.

Bộ Y tế thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả
Sức khỏe

Bộ Y tế thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả. Đáng chú ý, trong số này có 4 loại được xác định là giả mạo các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức.