Cúm mùa, viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, hen suyễn, ung thư phổi, lao phổi… là những bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến khi thời tiết trở lạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng (VNVC) cho biết, chính sự thay đổi nhiệt độ từ nóng sang lạnh đột ngột, độ ẩm trong không khí tăng cao hơn mức bình thường, ánh sáng mặt trời ít là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn, virus, vi sinh vật có cơ hội sinh sôi, phát triển nhanh chóng và hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên trực tiếp chịu những tác động này.
Những người có sức để kháng kém cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết như trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính, phụ nữ mang thai rất dễ bị mầm bệnh tấn công và gây bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm, trong các bệnh lý đường hô hấp, hen phế quản và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là 2 căn bệnh phổ biến nhất, đã và đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, 30% trẻ em < 5 tuổi tử vong do hen phế quản. Còn viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tấn công của cúm mùa là ở người lớn là 5-10% và trẻ em là 20-30%. Với những người có tiền sử bệnh nền, cúm mùa cũng có thể thúc đẩy và châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những người có tiền sử xơ vữa động mạch trước đó.
Nhiều trường hợp, tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim ở cả người bình thường và nguy cơ đột quỵ cũng tăng gấp 8 lần.
Cúm ở phụ nữ mang thai cũng làm gia tăng nguy cơ một kết thúc xấu cho thai kỳ, cụ thể vào năm 2009, một nghiên cứu trên 256 phụ nữ Anh nhiễm H1N1 trong thai kỳ được ghi nhận có tỷ lệ tử vong chu sinh gia tăng đột biến (39/1000 so với 7/1000), nguyên nhân chủ yếu do thai chết lưu.
Trong đó, số trẻ được sinh ra lúc người mẹ đang nhập viện điều trị cúm H1N1, có đến 63,6% sinh non và gần 70% phải vào khu vực chăm sóc đặc biệt (NICU),…
Riêng bệnh lý về phế cầu khuẩn, hàng năm có khoảng 5-6/100.000 trường hợp ghi nhận ở các quốc gia trên thế giới. Ở người lớn tuổi, tỷ lệ này lên đến 34% và trẻ em là 36%.
Theo WHO, phế cầu khuẩn vẫn là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ 3 trên thế giới và tỷ lệ tử vong cao nhất vào khoảng 20 – 25%.
Đáng chú ý, trẻ em < 2 tuổi và người lớn > 65 tuổi là những người có nguy cơ cao mắc bệnh, đe dọa đặc biệt ở nhóm > 85 tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý về tim mạch, phổi, thận hoặc gan mạn tính.
Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính, phụ nữ có thai,.. nên được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.
Bên cạnh đó, hoàn thành đầy đủ tiêm vắc xin sẽ giúp cơ thể tăng cường thêm sức đề kháng chống chọi lại với virus, vi khuẩn và hạn chế tối đa nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc. Đồng thời, mọi người cần chủ động phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc bệnh, nhập viện và tốn kém chi phí điều trị.