Điển hình, trường hợp bệnh nhi T.M (15 tuổi, trú tại TP.Vinh) nhập viện trong tình trạng mệt, nôn khan, nổi mẩn toàn thân, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol.
Khai thác thông tin, người nhà cho biết cách khoảng 3 giờ trước khi vào viện, bệnh nhi có mẫu thuẫn với bố nên đã uống 20 viên thuốc Paracetamol loại 500mg. May mắn, người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Tại đây, bệnh nhi được rửa dạ dày, điều trị thuốc N-acetyl Cystein để giải độc và truyền dịch để tăng thải độc chất. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần và được xuất viện về nhà.
Thêm trường hợp tương tự, bệnh nhi P.A (13 tuổi, trú tại Nam Đàn) đã uống19 viên thuốc Paracetamol loại 500mg liều cao tự tử sau khi bị mẹ mắng. Sau đó, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tổn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến suốt đời.
Theo ThS.BS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc – Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khá phổ biến, dễ mua ở bất kỳ nhà thuốc nào. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng “tích trữ” ít nhiều trong nhà.
Đặc biệt, khi sử dụng thuốc cần phải tuân thủ về liều lượng được khuyến cáo để tránh xảy ra ngộ độc do quá liều. Việc tự ý sử dụng thuốc Paracetamol quá liều và không có sự kiểm soát của bác sĩ có thể trực tiếp ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, bên cạnh việc học tập văn hoá, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Phụ huynh không nên quá tạo áp lực cho trẻ, mà cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, thư giãn phù hợp.
Đồng thời, nhà trường nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khó, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ khi gặp các vấn đề tâm lý.