Hóc xương được gọi là dị vật, có thể nằm lưu lại ở họng hoặc thực quản sau khi ăn thức ăn lẫn xương. Xương có thể bao gồm xương cá, xương gà, xương chim.
Trong đó, xương thường gặp nhất là xương cá (thường nằm ở họng miệng hoặc hạ họng), xương gà và xương lợn… thường xuống và mắc ở thực quản. Khi mắc lại, nếu không được xử trí kịp thời hoặc đúng cách, đã có những trường hợp tử vong do hóc xương hoặc nằm viện hàng tuần, hàng tháng do biến chứng áp xe vùng cổ, viêm trung thất, rò khí thực quản, tổn thương phổi.
Hóc xương ở Việt Nam thường xuất phát từ thói quen ăn uống, ăn cả thịt lẫn xương, vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa, nhất là uống rượu say dẫn đến mất kiểm soát khi lẫn xương trong thức ăn. Trẻ hay ngậm đồ chơi trong miệng khi thiếu sự quan sát của người lớn.
Khi hóc xương, những người xung quanh và bản thân người bị hóc luôn nghĩ đến các phương pháp dân gian chứ chưa phản xạ là cần đến cơ sở y tế. Các phương pháp dân gian có thể được cho là hiệu quả khi xương trôi đi, nhưng có thể với những xương cắm nông sẽ tự trôi mà không cần đến bất kì phương pháp nào.
Đặc biệt, các phương pháp dân gian vẫn chưa có thống kê phân tích khoa học về tính hiệu quả của nó, tuy nhiên hậu quả để lại cũng khá nặng nề ở một số người hóc xương sử dụng.
Điển hình, trường hợp nam bệnh nhân H (35 tuổi) làm nghề đánh cá ở vùng biển. Vào một buổi tối cuối tuần, trong bữa cơm gia đình, anh vô tình bị hóc một chiếc xương cá nhỏ có cảm giác khó chịu, đau như gai đâm, bứt rứt.
Sau đó, người bệnh nghe theo lời khuyên của hàng xóm và sử dụng một số mẹo dân gian để chữa hóc xương. Người thì bảo nuốt một miếng cơm lớn, người lại khuyên anh uống thật nhiều nước, thậm chí có người còn mách anh ngậm chanh và nuốt vỏ.
Tin rằng những mẹo này sẽ hiệu quả, người bệnh đã thử tất cả các cách được chỉ dẫn. Ban đầu, cảm giác đau giảm nhẹ, nhưng chỉ vài giờ sau, cơn đau quay lại dữ dội hơn khiến bệnh nhân bắt đầu thấy họng sưng và khó thở nhẹ. Lúc này, gia đình lo lắng và đưa người bệnh đến phòng khám tai mũi họng.
Tại phòng khám, bác sĩ nhanh chóng kiểm tra và phát hiện chiếc xương cá ở ngay amidan nhưng đã bị gãy còn lại 1 phần nhỏ, rất khó quan sát và khó lấy, kèm theo niêm mạc họng đã rách. Nếu không được can thiệp kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng, gây ra áp xe vùng họng, thủng họng, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Rất may, sau khi lấy xương và kiểm tra họng, các vết rách niêm mạc nông và người bệnh khỏi sau điều trị bằng kháng sinh 10 ngày.
Thêm trường hợp bệnh nhân S - một phụ nữ trung niên đảm đang, thường xuyên nấu những bữa cơm gia đình ấm cúng, không may bị hóc một chiếc xương cá trong bữa tối. Ngay lập tức, người bệnh cảm thấy đau nhói và khó chịu ở họng.
Tuy nhiên, người phụ nữ không đến bệnh viện, mà nhớ lại những mẹo dân gian mà hàng xóm và người thân từng mách nên đã ăn chuối, uống nhiều nước, lấy đũa cả chọc vào vùng xương mắc và tự nhủ sẽ trôi dần xương. Sau 2 ngày biểu hiện đau tăng dần, cổ bắt đầu sưng và không quay cổ được, gia đình vội vàng đưa người bệnh đến bệnh viện.
Tại đây, qua chụp phim cổ và phát hiện ra có vật cảm quang giống xương ở ngoài cổ kèm theo hiện tượng viêm tấy lan toả vùng cổ. Người phụ nữ phải nhập viện, mở cổ tìm thấy xương trong ổ viêm ngoài cổ, niêm mạc họng rách, phải đặt sonde ăn trong 1 tuần và truyền kháng sinh liên tục. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân được xuất viện.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị hóc xương, thay vì sử dụng các mẹo nuốt cơm, uống nước hoặc dùng những biện pháp dân gian khác, người bệnh cần đến ngay các cơ sở Tai Mũi Họng để được kiểm tra và xử lý đúng cách để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.