Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN tại tỉnh Bắc Ninh chiếm từ 70-80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng vai trò quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các KCN truyền thống hiện nay và cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh cũng như kết nối với các KCN tại những địa phương lân cận. Các doanh nghiệp trong KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có. Do vậy, vấn đề chuyển đổi, xây dựng mô hình KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống chịu rủi ro.
Mô hình KCN sinh thái xuất phát từ khái niệm sinh thái công nghiệp. Theo đó, phát triển quá trình sản xuất theo hướng tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính. Trong KCN, đầu ra hoặc chất thải, sản phẩm phụ của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. Mô hình KCN sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể KCN. Theo đó, tạo điều kiện cho các ngành nghề trong KCN kết hợp và tương hỗ lẫn nhau, tạo thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
Tại KCN sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho các doanh nghiệp trong KCN, hướng tới những lợi ích lớn hơn thông qua cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống của dân cư xung quanh KCN.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, thì phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế của Bắc Ninh để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh KCN trên khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường. Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay đang trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu muốn đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI.
Hiện, Bắc Ninh đang định hướng trong xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình chính phủ số và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, các KCN Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Số lượng và chất lượng các dự án, nhất là dự án FDI tăng mạnh. Từ năm 2008 đến nay cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử, viễn thông. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các dự án của Samsung có tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.