Bắc Ninh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, có 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng các yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 08% - 09%; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.
Bắc Ninh cũng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm – đồ uống.
Trong đó, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bao gồm: xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho các yếu tố đầu vào như công nghệ - đất đai – nguyên vật liệu và vốn; đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển.