Bắc Ninh phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 về phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM diện mạo nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN - PTNT, Phó Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh NGUYỄN VĂN ĐẠI chia sẻ.
Đa dạng chính sách hỗ trợ
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh gắn với xây dựng NTM theo hướng CNH-HĐH đến 2015, tầm nhìn đến 2020?
![]() |
Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống; 14.360 hộ làm nghề, với 76.870 lao động, chiếm 11,55% số lao động trong độ tuổi. Tổng giá trị sản xuất của làng nghề đạt 7.629,4 tỷ đồng, bằng 7,78% GDP toàn tỉnh. Thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề đạt 4 - 4,5 triệu đồng/lao động/tháng, có nhiều nghề cho thu nhập đến 7 - 8 triệu đồng/tháng. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Giám đốc Sở NN - PTNT |
- Có thể thấy rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, diện mạo nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt. Việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể, chương trình đã tác động đến nhận thức của cán bộ, người dân, nâng cao tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm trong các hoạt động cộng đồng. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung… Đến nay, Bắc Ninh đã có 35 xã đạt 19/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,6 triệu đồng. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn y tế giai đoạn I; 68 xã đạt chuẩn y tế giai đoạn II; 100% phòng học các cấp được kiên cố hóa; 80% số trường đạt chuẩn quốc gia…
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình phát triển CN-TTCN, làng nghề tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Ông có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này?
- Việc phát triển CN-TTCN, làng nghề trong thời gian qua gặp không ít khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do: Các cơ sở sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn trên địa bàn có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực trình độ quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, thiếu vốn, không có tính liên kết trong sản xuất. Sản phẩm phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng chưa cao, chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên khó cạnh tranh trên thị trường. Một khó khăn khác là sự chuyển dịch lao động nông thôn vào làm công nghiệp, dịch vụ ngày càng nhiều khiến nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Nhận thức được những khó khăn trên, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, cải tiến và đa dạng mẫu mã sản phẩm mà vẫn không làm mất đi tính truyền thống, độc đáo của những mặt hàng truyền thống. Song song đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất mới như các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã kiểu mới... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các địa phương trong nước và quốc tế...
- Hiện nay, rất nhiều địa phương đã có những cơ chế chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: TP Hà Nội, Hà Tĩnh... Đối với Bắc Ninh, vấn đề này được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và du lịch, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được Bắc Ninh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn… Hầu hết các chính sách khi triển khai vào đời sống đều được người dân phấn khởi tiếp nhận, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn vì thế dần chuyển dịch theo hướng hiện đại. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao dần được mở rộng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh.
Nền tảng xây dựng NTM
- Thực tế, phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Vậy thưa ông, phát triển CN-TTCN có ý nghĩa như thế nào trong lộ trình xây dựng NTM của tỉnh?
- Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được Bắc Ninh xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa… Bắc Ninh cũng xác định rằng, bản thân các làng nghề truyền thống vốn được hình thành dựa trên tổng hòa các yếu tố KT - XH, công nghệ lâu đời và nhiều nét văn hóa đặc trưng mang tính vùng miền. Vì vậy, đây là nền tảng quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Thực tế, quá trình phát triển CN-TTCN, làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc của từng địa phương. Đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách địa phương và huy động thêm nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp CN-TTCN, làng nghề đóng góp cho xây dựng NTM.
- Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có hơn 50 xã đạt chuẩn NTM, tỉnh có những giải pháp gì, thưa ông?
- Bắc Ninh là 1 trong 12 tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương. Do đó, từ năm 2016, kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói riêng sẽ do tỉnh tự cân đối và huy động các nguồn lực để đầu tư. Với quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có từ 80 - 85% số xã đạt chuẩn NTM, Bắc Ninh sẽ tập trung nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn, tạo sự đột phá về diện mạo nông thôn. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục tuyên truyền để các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân hiểu về lợi ích của chương trình đem lại. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn theo hướng bền vững…
- Xin cảm ơn ông!