Đẩy mạnh tiêu thụ qua nhiều kênh phân phối
Thị xã Thuận Thành hiện có khoảng 62ha trồng hoa, cây cảnh các loại cảnh tập trung chủ yếu ở các xã, phường: Hà Mãn, Ngũ Thái, Song Hồ, Hoài Thượng. Từ nay đến cuối năm là giai đoạn quan trọng nhằm bảo đảm cây, hoa đạt chất lượng, vì vậy, người trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương đang tập trung chăm sóc từ việc bón phân, tưới nước đến phòng, trừ sâu, bệnh... để hoa, cây cảnh kịp bung nở, khoe sắc vào đúng dịp Tết. Năm nay giá nguyên liệu đầu vào, nhân công tăng cao, nông dân trồng hoa chủ động kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, phân vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho cây trồng và giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, các nhà vườn kinh doanh hoa, cây cảnh trong thị xã cũng tăng tần suất nhập các chuyến hàng hoa, cây cảnh trong nước, nhập khẩu để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok... để giới thiệu, quảng bá hoa.
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Nam khu phố Công Hà (phường Hà Mãn) trồng khoảng 500 gốc đào thế, 700 gốc đào loại nhỏ và 150 chum quất để phục vụ thị trường hoa Tết. Gắn bó với nghề trồng đào, quất gần 10 năm, anh Nguyễn Văn Nam cho biết, đào là loại cây khó tính, quá trình chăm sóc, đòi hỏi người trồng phải khéo léo và tỉ mỉ từng công đoạn. Chăm sóc đào là việc làm quanh năm, song tất bật nhất là từ tháng 9 âm lịch đến Tết, là thời điểm quyết định cây có ra hoa đúng dịp Tết hay không. Tùy điều kiện trời mưa rét hay nắng ấm, người trồng đào phải phun nước ấm (hoặc nước lạnh) để kích thích đào nở sớm (hay hãm cho đào nở đúng dịp). Giữa tháng 11 âm lịch, tiến hành tuốt hết lá bằng tay để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn 2 - 5 ngày, ngược lại thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn.
Chuẩn bị cho vụ hoa Tết, gia đình anh Phạm Đình Giang (khu phố Công Hà, phường Hà Mãn) đang trồng 1,4ha với khoảng hơn 200.000 gốc hoa lay ơn đỏ, vàng của Đà Lạt và hoa lay ơn đỏ Hà Lan. Do trồng với số lượng lớn, anh Giang đầu tư máy làm đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, kho lạnh bảo quản giống. Thông thường, đến kỳ thu hoạch, các cửa hàng, thương lái từ trong và ngoài tỉnh sẽ đến tận vườn để mua buôn với mức giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/bông.
Mang lại thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm
Phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh) không chỉ là đầu mối tập kết, thu mua, tiêu thụ nông sản ở các địa phương mà hằng năm, người trồng rau nơi đây cung cấp khối lượng lớn rau, củ quả tươi cho thị trường Tết Nguyên đán. Toàn phường có hơn 600 hộ tham gia sản xuất rau an toàn.
Hoa và rau màu ở Khả Lễ (phường Võ Cường) đã trở thành thương hiệu quen thuộc, không những đáp ứng nhu cầu của địa phương, còn cung cấp cho các thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng/người.
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Khoa cho hay, "gia đình tôi sản xuất hơn 1 sào rau phục vụ thị trường Tết. Để rau đạt chất lượng tốt, phải đặc biệt chú ý việc lựa chọn giống và chăm sóc từ sớm. Các loại rau tía tô, hành, mùi... là những loại rau cần lượng nước vừa đủ và ưa ánh sáng nên gia đình thường xuyên phải thắp bóng điện để tránh rau trổ hoa. Mỗi loại đều có yêu cầu riêng về đất và chăm sóc, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, mỗi sào rau cho thu nhập 20 triệu đồng/vụ”.
Còn tại khu Hòa Đình (phường Võ Cường) với hơn 400 hộ nông dân cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ rau cuối cùng và quan trọng nhất trong năm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong dịp Tết Nguyên đán. Để có rau kịp bán trong dịp Tết, gia đình ông Nguyễn Đức Sơn tập trung làm đất để gieo trồng hơn 2 sào súp lơ, tỏi tây, su hào, bắp cải. Theo ông Sơn, người dân ở đây trồng rau quanh năm, gối vụ nhưng Tết là thời điểm tiêu thụ nhiều, có giá bán cao nhất. Do đó, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, người dân xuống giống và chuẩn bị các loại phương tiện tránh mưa, rét cho rau. Vụ này, gia đình tập trung trồng súp lơ và các loại rau ăn củ, lá. Súp lơ đang có giá từ 20 nghìn đồng/kg; tỏi tây từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, nếu mức giá này tiếp tục duy trì đến cận kề Tết, gia đình có điều kiện đón Tết đầy đủ, sung túc hơn.
Nghề trồng rau ở Võ Cường ngày càng được hoàn thiện theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Võ Cường Bùi Thị Thu Hường, do quá trình đô thị hóa, toàn phường còn hơn 60ha chuyên trồng hoa và các loại rau màu, tập trung nhiều nhất ở khu Hòa Đình, Khả Lễ, Xuân Ổ B. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phường Võ Cường đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Phường đã đầu tư hệ thống thủy lợi, mương tiêu úng; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau theo hướng an toàn. Trung bình 1ha trồng rau màu cho thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.