Bác Hồ với quan hệ Việt - Mỹ

Lê Đình Cúc 14/09/2023 07:17

Bác Hồ không phải người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ hay viết về nước Mỹ nhưng Bác hết sức quan tâm tìm kiếm và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ. 

Đến nước Mỹ để tìm hiểu về Bình đẳng, Tự do, Hạnh phúc

Người Việt Nam đến Mỹ đầu tiên cho đến nay chúng ta biết là ông Trần Trọng Khiêm, sinh năm 1821, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, đến thành phố New Orleans (Mỹ) năm 1849. Còn người đầu tiên viết về nước Mỹ là Phan Bội Châu. Phan Bội Châu niên biểu cho thấy, trong những ảnh hưởng của văn hóa thế giới đối với cụ có văn hóa Mỹ; điều này thể hiện rõ nhất ở tác phẩm Sùng bái giai nhân được cụ viết năm 1907.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhóm tình báo Con nai của Mỹ tại Tân Trào năm 1945 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhóm tình báo Con nai của Mỹ tại Tân Trào năm 1945. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, sau hai lần Bùi Viện, nhà ngoại giao đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn đến Mỹ (năm 1873 và 1875) không đi đến đâu, quan hệ hai nước Việt - Mỹ rơi vào quên lãng cho đến khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện đầu thế kỷ XX. Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, năm 1912 Bác Hồ đã đến Boston - cái nôi của cách mạng Mỹ, để nghiên cứu và thấm hơn bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", mà sau này được đưa vào Tuyên ngôn độc lập của nước ta ngày 2.9.1945.

Người ở Mỹ một thời gian, bốc xếp hàng hóa và làm bánh ở khách sạn Hommi Parker ngay trung tâm thành phố, bên cạnh nghĩa trang quốc gia, nơi yên nghỉ của các danh nhân và nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Mỹ. Bác cũng đã đến New York giúp việc cho một gia đình. Ngoài thời gian lao động, Bác tham dự các buổi họp của những người hoạt động xã hội là người da đen tổ chức. Bác cũng đến khu Manhatan với những tòa nhà chọc trời, thăm Tượng Nữ thần Tự do, đến với người dân sống ở khu ổ chuột Harlem chứng kiến cuộc sống nghèo đói lầm than của người Mỹ.

Rời nước Mỹ, trở lại châu Âu, Bác đã thành lập Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp, và năm 1919 Người thay mặt Hội gửi đến Hội nghị quốc tế Versailles Bản Yêu sách 8 điểm đòi tự do cho Việt Nam. Bản Yêu sách 8 điểm ký tên Nguyễn Ái Quốc cũng được gửi đến Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson; người Mỹ biết đến Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam hiện đại từ đó.

Tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ

Năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với nhãn quan chính trị sắc bén và tài tiên tri của mình, Bác đã tiên liệu về kết cục Chiến tranh Thế giới II với chiến thắng của quân Đồng minh trước hiểm họa của phát xít Đức, Italy, Nhật. Bác Hồ đã nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới và châu Á. Khi bị Nhật đánh tơi bời ở Trân Châu Cảng (1941) quân Mỹ tham chiến ở châu Á, cũng là lúc Bác Hồ tìm mọi cơ hội để liên lạc với Mỹ. Người đã tìm nhiều cách và tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ, muốn họ ủng hộ và công nhận vai trò của tổ chức yêu nước là Mặt trận Việt Minh.

Bác đã cung cấp cho quân đồng minh chống Phát xít những tin tình báo quan trọng của quân đội Nhật ở Đông Dương. Bác cũng chỉ thị cho Việt Minh phải chú ý giúp đỡ những phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi. Đặc biệt là khi xảy ra sự kiện một chiếc máy bay của Mỹ do trung úy phi công Wiliams Shaw bị Nhật bắn rơi (ngày 2.11.1944). Trung úy Shaw được Việt Minh cứu và đưa đến gặp Bác. Tháng 2.1945 chính Bác đã dẫn Shaw sang Côn Minh, tận tay trao lại cho tướng Claire Chenault, Tổng tư lệnh không quân Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc. Hai bên đã đặt quan hệ hợp tác chống Nhật. 

Ngay sau đó, quân đội Mỹ đã cử một đơn vị thuộc lực lượng OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) sang Việt Nam. Ngày 17.7.1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con nai gồm 5 người do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào với một số trang thiết bị để huấn luyện kỹ thuật vô tuyến điện và quân sự cho 40 du kích của Việt Minh được chọn từ quân du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8.1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập và ngày 20.8.1945, trung đội này tham gia chiến đấu chống quân Nhật ở Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp. Tại Tân Trào, cách lán của Hồ Chí Minh vài trăm mét là lán của quân Đồng minh Việt - Mỹ. Bác Hồ đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt Nam.  

Ngày 29.8.1945, Bác đã mời Archimedes L.A. Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất đến ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và trao đổi một số vấn đề, trong đó có việc tổ chức Lễ tuyên bố Độc lập ngày 2.9.1945. Trong buổi lễ trang trọng này, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã tiếp xúc với tướng Gallagher, lúc bấy giờ đang đứng đầu phái bộ quân sự Mỹ tại Hà Nội. Cũng trong năm này Bác đã tiếp đón các nhân vật quan trọng của Chính phủ Mỹ như: Low Moffat, Trưởng ban Đông Nam Á (Bộ Ngoại giao Mỹ) tại Hà Nội. Bác Hồ cũng đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các sĩ quan Mỹ ở Hà Nội như thiếu tá Thomas, thiếu tá Archimedes L.A. Patti… để chuyển thành ý của Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Tổng thống H. Truman. Ngày 1.11.1945, trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Qua đó cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn của Người trong quan hệ với Mỹ. Trong dịp sang thăm nước Pháp và ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946, Bác Hồ đã tranh thủ gặp ông George, Bí thư Đại sứ quán Mỹ ở Paris. 

Đầu năm 1946 Bác Hồ thành lập Việt - Mỹ thân hữu hội, tiền thân của Hội Việt - Mỹ hiện nay. Hội có những lớp dạy tiếng Anh và tổ chức những cuộc nói chuyện về văn hóa Mỹ. Hội cũng có những lớp dạy tiếng Việt cho người Mỹ, giúp đỡ học sinh Việt Nam muốn sang Mỹ học tập và tổ chức dịch sách Mỹ, Việt để truyền bá văn hóa, phong tục của hai dân tộc Việt - Mỹ.  Chỉ trong năm 1945 và 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống Mỹ H. Truman, gửi 3 thư và điện cho Ngoại trưởng Mỹ James Byrner. Qua đó cho thấy Bác Hồ đã hết sức quan tâm tìm kiếm và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ. Trước khi mất 7 ngày, Bác Hồ vẫn gửi thư cho Tổng thống Mỹ R. Nixon, nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra và yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bác Hồ với quan hệ Việt - Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO