Bác Hồ và những người bạn ở Long Châu

Trần Thị Thanh Hằng 19/05/2011 07:24

Trong những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hoạt động ở Trung Quốc. Đặc biệt, huyện Long Châu tỉnh Quảng Tây đã lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, dấu tích hoạt động cách mạng của Người và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Một góc xã Hạ Đông, Long Châu. Tháng 8.1944 khi Hồ Chí Minh từ Liễu Châu qua Long Châu để trở về Việt Nam đã ở trong trường tiểu học tại đây
Một góc xã Hạ Đông, Long Châu. Tháng 8.1944 khi Hồ Chí Minh từ Liễu Châu qua Long Châu để trở về Việt Nam đã ở trong trường tiểu học tại đây

Long Châu - huyện biên giới phía Tây Nam thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, tiếp giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam. Long Châu là vùng đất có truyền thống cách mạng của Trung Quốc. Nơi đây với căn cứ cách mạng Tả Giang là vùng căn cứ địa quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Long Châu. Trong thời gian hoạt động ở Long Châu, Hồ Chí Minh đã được người dân ở đây đùm bọc, giúp đỡ, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa Người với nhân dân Long Châu, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, sự gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc anh em.

Kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay đang lưu giữ bộ ba bát ăn cơm bằng men sứ mà Bác Hồ đã sử dụng trong thời gian Người hoạt động cách mạng ở nhà ông Nông Kỳ Chấn ở Long Châu, khoảng tháng 8.1944. Đây là hiện vật được Bảo tàng huyện Long Châu sưu tập và tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bộ bát này là bằng chứng cho tình cảm nồng hậu đã che chở, giúp đỡ của người dân Long Châu với Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động cách mạng của Người.

Nông Kỳ Chấn là cốt cán nông hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, ông từng giúp các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở Long Châu như Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Thụ... Sau ngày Trung Quốc giải phóng, ông Nông Kỳ Chấn là Phó chủ tịch huyện Long Châu. Ngày 9.8.1944, sau gần một năm bị quản chế khi ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh được sự đồng ý của tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh Đệ tứ chiến khu đóng tại Liễu Châu, Người đem theo 18 thanh niên lựa chọn trong số các đồng chí tham gia lớp huấn luyện đặc biệt của Đệ tứ chiến khu, rời Liễu Châu, đi theo đường Long Châu về nước. Hồ Chí Minh được cấp giấy phép đi đường, giấy chứng minh thư và lộ phí rời Liễu Châu, đi qua Nam Ninh, Long Châu để trở về Việt Nam qua cửa khẩu Thủy Khẩu, rồi trở về căn cứ địa Pác Bó. Về đến huyện thành Long Châu, Người trú chân tại Văn phòng hải ngoại của Hội đồng minh giải phóng dân tộc Việt Nam mấy ngày. Đó là một cửa hiệu may mang tên Đức Hưng (Đức Hưng xa y điếm). Địa điểm này là nhà số 80 và 82, phố Bạch Sa (trước là phố Đông Quan ngoại), Long Châu - cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương ở nước ngoài. Hồ Chí Minh cùng 18 thanh niên chia nhau nghỉ ở các gia đình Bà Hai Nông và gia đình Lương Triều Phương.

Rời huyện thành Long Châu, Hồ Chí Minh về khu Hạ Đông, gần biên giới Trung Việt. Khu Hạ Đông thuộc Long Châu, tiếp giáp với Việt Nam vốn là một căn cứ cách mạng cũ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Chí Minh đưa 18 thanh niên đến xã Hạ Đông, gặp Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân... để tìm hiểu tình hình cụ thể vùng đó. Người đến đúng vào dịp học sinh đang nghỉ hè nên Nông Kỳ Chấn đã thu xếp cho Hồ Chí Minh và số thanh niên cùng đi với Người nghỉ trong các phòng học của trường tiểu học Hạ Đông. Lúc rời Liễu Châu, Hồ Chí Minh cùng 18 thanh niên Việt Nam đều mặc quân phục do Đệ tứ chiến khu cấp phát, biết việc này sẽ không tiện cho hoạt động công khai ở vùng biên giới và trên đất Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đến thôn Nà Tạo, tìm Nông Kỳ Chấn để bàn về việc phải thay đổi quần áo. Được Nông Kỳ Chấn và bà con giúp đỡ, dân trong thôn đã nhanh chóng thu góp được 19 bộ quần áo kiểu cổ thời nhà Đường mà bà con thường mặc để Hồ Chí Minh và mọi người thay quần áo. Trong thời gian này, Người đã ở nhà ông Nông Kỳ Chấn và ăn cơm, sinh hoạt cùng với gia đình ông Nông Kỳ Chấn. Trước khi lên đường, Hồ Chí Minh đã tặng Nông Kỳ Chấn một chiếc khăn len để giữ làm kỷ niệm, Người còn gửi một ít sách vở nhờ Nông Kỳ Chấn giữ hộ.

 Đoàn cán bộ của Hồ Chí Minh rời Hạ Đông qua cửa khẩu Thủy Khẩu về nước. Khoảng tháng 9.1944, Hồ Chí Minh về đến căn cứ địa Pác Bó, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước...

Sau ngày Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn qua lại vùng đất Long Châu nhiều lần, không quên những ngày tháng nhận được sự bảo vệ và giúp đỡ chí tình của nhiều bà con dân tộc Choang như gia đình ông Phan Toàn Trân, Nông Kỳ Chấn… và đã cùng nhau hình thành nên mối quan hệ anh em thân thiết, thủy chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Nông Kỳ Chấn đã trở thành anh em kết nghĩa. Năm 1960, ông Nông Kỳ Chấn được Bác mời sang thăm Việt Nam và được chính Người đón tiếp thân mật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bác Hồ và những người bạn ở Long Châu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO