Trước đó, ngày 3.9, tại địa bàn xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Công an huyện Yên Dũng đã phát hiện Nguyễn Tiến Duy, sinh năm 1995, trú tại xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang điều khiển xe ô tô tải vận chuyển hàng nghìn đơn vị hàng hoá là thực phẩm như: Bánh trung thu, bánh mỳ, lương khô, rong biển sấy khô… đi tiêu thụ; trong đó có khoảng 1.000 sản phẩm là bánh trung thu các loại. Qua kiểm tra, Nguyễn Tiến Duy không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp đối với số thực phẩm trên.
Nguyễn Tiến Duy thừa nhận đã thu mua toàn bộ số hàng hoá trôi nổi trên tại địa bàn thành phố Hà Nội về giao bán lại cho các cửa hàng kinh doanh tạp hoá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để kiếm lời, khi đi qua địa bàn huyện Yên Dũng thì bị Công an huyện Yên Dũng phát hiện, kiểm tra.
Đáng chú ý, các loại bánh Trung thu có nhiều mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, giá rẻ được tiêu thụ cho người tiêu dùng là công nhân, người dân có thu nhập thấp; có loại được “nguỵ trang” bằng bao bì chứa sản phẩm bánh Snack để qua mắt lực lượng chức năng.
Đây là một trong những kết quả đạt được trong thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm nay.
Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Yên Dũng tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định; góp phần ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu bán ra thị trường, nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp tết Trung thu năm 2024.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác đối với các sản phẩm bánh kẹo (đặc biệt là bánh trung thu) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; người dân chỉ nên tiêu dùng sản phẩm bánh trung thu có đầy đủ tem nhãn, xuất xứ sản phẩm theo quy định, mua ở những đại lý uy tín.