Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo hồi 7 giờ ngày 5.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc, 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167 - 183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh lên cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14; sóng biển cao 3 - 5m, biển động dữ dội. Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 8 - 9.
Tại tỉnh Bắc Giang dự báo từ sáng 7.9 gồm: Khu vực thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8, dự báo tác động của gió có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Từ đêm ngày 6.9 đến hết ngày 8.9, các nơi trong tỉnh khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông. Thời gian mưa lượng lớn tập trung từ trưa ngày 7.9 đến trưa ngày 8.9. Lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 - 250mm/đợt.
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 3 theo tinh thần “Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần “Chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”.
Đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão, lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Bố trí lực lượng trực tại cơ quan 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin chỉ đạo và xử lý khi có tình huống xảy ra. Rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê sông, hồ đập, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn. Chuẩn bị các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, cấp nhật diễn biến bão số 3, tình hình mưa lũ và nguy cơ thiên tai trên địa bàn; kịp thời bổ sung phương án phòng chống, đặc biệt các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng dễ bị chia cắt khi có lũ.
Đối với các huyện vùng núi phải chủ động xây dựng phương án sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt các hộ dân sau đập đang có dung tích chứa đang đạt xấp xỉ 100% dung tích thiết kế và vùng ven sông suối có nguy cơ sạt lở cao).
Phân công lãnh đạo và các cơ quan chức năng xuống các địa phương, vị trí xung yếu để trực tiếp chỉ đạo khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra cụ thể công tác “bốn tại chỗ”, chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa, lũ lớn gây chia cắt dài ngày.